Trung Quốc "ngấm đòn" chiến tranh thương mại với Mỹ

ANTD.VN - Chiến tranh thương mại là cuộc chiến “lưỡng bại câu thương” với cả hai phía Mỹ và Trung Quốc, trong đó nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đang lao đao bởi “ngấm đòn” từ cuộc chiến này.

Trung Quốc "ngấm đòn" chiến tranh thương mại với Mỹ ảnh 1Ngành dệt may của Trung Quốc là một trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Trung Quốc hiện cho đến nay vẫn tỏ ra rất cứng rắn trong cuộc chiến “kép” - chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ - với Mỹ khi luôn lựa chọn những biện pháp đáp trả những đòn tấn công từ Washington, chứ chưa có bất cứ nhân nhượng hay lùi bước nào. Những đòn đáp trả thương mại của Trung Quốc gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng đã phải chịu những thiệt hại lớn, trong đó các công ty và doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải lao đao để ứng phó với đòn tấn công từ Mỹ. Các công ty Trung Quốc đã phải tìm mọi cách, từ giảm giá sản phẩm hay chuyển đổi mô hình kinh doanh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “khơi mào” chiến tranh thương mại bằng cách tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, ứng phó ra sao và bằng cách nào, các công ty Trung Quốc vẫn phải đối mặt thực tế làm ăn ngày càng khó khăn và có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Việc nâng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vốn đã khiến hàng loạt công ty Trung Quốc lao đao thì việc thuế tiếp tục tăng lên 10% đối với hơn 300 tỷ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ còn khiến khó chồng thêm khó.

Ghi nhận từ thành phố Tô Châu (tỉnh Giang Tô), thủ phủ dệt may của Trung Quốc cho thấy nơi đây đang trải qua cơn khốn khó chưa từng thấy với nhiều nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc khi đơn hàng suy giảm do tác động từ các đòn thuế của Mỹ. Các sản phẩm vải sợi của Trung Quốc bị lọt vào danh sách 200 tỷ đô hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 10% kể từ tháng 9-2018 và sau đó tăng lên 25% kể từ tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, các nhà máy dọc vùng duyên hải phía Đông, các cơ sở chế biến cá ở miền Nam và các công ty xuất khẩu nước ép ở miền trung và cả nông dân phía Đông Bắc Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ làm ăn đầy khó khăn kể từ khi Mỹ nâng thuế với hàng hóa của nước này. Việc giá trị xuất khẩu nước ép Trung Quốc đã giảm 93% trong nửa đầu năm 2019 đã khiến một công ty chuyên xuất khẩu tới thị trường Mỹ như Shaanxi Hengtong phải cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp hay thậm chí đem cầm cả máy móc và thiết bị để đổi lấy một số khoản vay.

Gặp phải khó khăn chồng chất và dự báo sẽ còn khó khăn hơn nữa trong tương lai khi chiến tranh thương mại leo thang, ngày càng có nhiều thêm công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, mang theo số lượng lớn tài chính và việc làm. Tính tới nay đã có khoảng 400 công ty của Mỹ hoặc liên quan tới Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi Trung Quốc. Trong đó, “ông lớn” Apple công bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất iPhone cao cấp sang Ấn Độ; Foxconn, đối tác thương mại quan trọng của Apple, đã bắt đầu sa thải nhân viên ở Trung Quốc, mở thêm 3 nhà máy mới ở Ấn Độ và có kế hoạch xây dựng 10-12 nhà máy ở Ấn Độ vào năm 2020, tạo ra 1 triệu việc làm mới cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Không chỉ các công ty Mỹ, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã rút khỏi Trung Quốc.

Kinh tế sa sút, doanh nghiệp khó khăn, thất nghiệp gia tăng… do gánh chịu hậu quả chiến tranh kinh tế với Mỹ đã khiến giới quan sát đánh giá lại mục tiêu năm 2050 của Trung Quốc, hay còn gọi là “Giấc mơ Trung Hoa” vào giữa thế kỷ 21. Tham vọng biến Trung Quốc thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2050 xem ra khó thành hiện thực nếu chiến tranh kinh tế với Mỹ còn dai dẳng và căng thẳng.