Trung Quốc mưu đồ cô lập tàu cá Việt Nam, công kích Nhật

ANTĐ - Trung Quốc huy động lực lượng từ 45 – 50 tàu cá liên tục bao vây, ép không cho ngư dân Việt Nam đánh bắt, khai thác trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời tạo vòng vây khóa chặt tàu cá của ngư dân Việt Nam với ý đồ cô lập.
Tàu Trung Quốc 6 lần đâm tàu chấp pháp Việt Nam

Chiều 31-5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc vẫn dùng 125 tàu gồm hải cảnh, ngư chính, tàu kéo, tàu vận tải cùng 3 máy bay uy hiếp, đe dọa ngư dân và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Hành động của phía Trung Quốc vẫn rất ngang ngược và hung hãn, sẵn sàng sử dụng vòi rồng, còi hú, đâm va, áp sát đẩy lực lượng của Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc mưu đồ cô lập tàu cá Việt Nam, công kích Nhật ảnh 1
Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam


Các tàu cá Trung Quốc huy động lực lượng từ 45 – 50 chiếc liên tục vây, ép không cho ngư dân Việt Nam đánh bắt, khai thác trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam. Đáng lên án hơn, khi phía Trung Quốc thấy tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khoảng cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 20-25 hải lý đã đe dọa, ngăn cản, đâm va.

Các tàu cá của Trung Quốc còn có hành động tạo vòng vây khóa chặt tàu cá của ngư dân Việt Nam với ý đồ cô lập, phân tán lực lượng khi di chuyển, khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. 

Theo báo cáo của tàu Kiểm ngư 951, chiếc tàu kéo màu đỏ của Trung Quốc có số hiệu 285 đã 6 lần áp sát để đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam.

Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Trả lời hãng tin Bloomberg (Mỹ) về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Hành động của Trung Quốc vừa qua đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực. 

Trung Quốc mưu đồ cô lập tàu cá Việt Nam, công kích Nhật ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng


Việt Nam kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình. Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ  quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Việt Nam đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập, chủ quyền của tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Khởi kiện Trung Quốc là giải pháp cuối cùng  
Tại diễn đàn quốc tế Shangri-La 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Phùng Quang Thanh một lần nữa khẳng định, Việt Nam hết sức kiềm chế trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay và kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại diễn đàn quốc tế Shangri-La

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Việt Nam có khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, đó là giải pháp cuối cùng. “Chúng tôi đang cân nhắc xem xét, nếu phải kiện thì đó là biện pháp cuối cùng, nhưng chúng tôi hy vọng hai bên ngồi với nhau. Lịch sử Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp trên đất liền mấy chục năm thương thảo và đã giải quyết được, hay như Vịnh Bắc Bộ hai bên đã đàm phán, phân định và đang phát triển rất tốt. Quan điểm của Việt Nam là giải quyết bền bỉ theo hướng giữ hòa bình, ổn định”. 

Đuối lý về Biển Đông, Trung Quốc quay sang công kích Nhật 

Trước việc bị chỉ trích mạnh mẽ ngay từ phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La về những hành động đơn phương, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền, bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đại diện phía Trung Quốc tham dự Đối thoại không thể biện minh cho hành động sai trái của Trung Quốc, mà quay sang chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Còn tại cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-La, trước đề nghị của phía Nhật Bản về việc thiết lập cơ chế trên biển nhằm phòng ngừa xung đột, Phó Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung không những không chấp nhận, mà còn quay sang chỉ trích Nhật Bản là “sai lầm” và “vi phạm chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế”. Tuy nhiên, đại diện phía Trung Quốc không đưa ra được lập luận nào khẳng định đối phương “vi phạm chuẩn tắc quốc tế”.

Trong khi đó, mạng Tân Hoa xã ngày 31/5 dẫn lời bà Phó Oánh một mặt lặp lại giọng điệu cũ khi cho rằng “căng thẳng ở Biển Đông gần đây là do hành động khiêu khích của một số nước”, mặt khác cũng thể hiện thái độ hoà dịu với Mỹ với việc bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ chia sẻ lợi ích chung trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác. 
Tàu Trung Quốc đi vào khu vực tranh chấp với Nhật Bản

Cũng trong ngày 31-5, hãng tin của Pháp dẫn thông tin lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, khoảng 10h sáng ngày 31-5, hai tàu Trung Quốc tiến vào đường lãnh hải 12 hải lý của một hòn đảo nằm trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hai nước đang tranh chấp trên biển Hoa Đông, trong bối cảnh Mỹ cảnh báo Bắc Kinh gia tăng các hành động để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Hai tàu trên rời khỏi khu vực tranh chấp sau đó ba giờ.

Trung Quốc xác nhận khi đó hai tàu bảo vệ bờ biển của nước này đang đi "tuần tra" khu vực. Đây là lần thứ 12 tàu chính quyền Trung Quốc tiến vào vùng tranh chấp kể từ đầu năm nay.

Tin cùng chuyên mục