Trung Quốc mở chiến dịch bài tên nước ngoài

ANTĐ - Rừng Vancouver ở Bắc Kinh, Thị trấn Thames ở Thượng Hải hay Yosemite Oriental tại Đại Liên là những khu bất động sản đã trở nên quen thuộc ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi người mua thích thú với cảm giác được sống như người nước ngoài ngay trên đất Trung Quốc thì Chính phủ Bắc Kinh cho rằng việc đặt tên “quá Tây” đang là một mối đe dọa thực sự. 

Trung Quốc mở chiến dịch bài tên nước ngoài ảnh 1Jackson Hole, khu đô thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc bắt chước mô hình thung lũng Jackson Hole ở Wyoming, nước Mỹ

Tên Tây mới “câu khách”

Nhóm các dự án nhà ở có lẽ là nơi tập trung nhiều tên phương Tây nhất ở Trung Quốc. Các dự án có tên gọi và phong cách kiến trúc đặc trưng của Hoa Kỳ, châu Âu, Canada, Úc, có thể là bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng trừ... Trung Quốc. Hiện tượng này rất phổ biến bởi các nhà môi giới và đầu tư ở Trung Quốc cho rằng những dự án mang tên Mỹ, Anh, Pháp mới gợi lên sự tinh tế và thu hút sự chú ý của người mua. Tuy nhiên, các quan chức Bắc Kinh đang lo ngại về tình trạng đặt tên “quá Tây” này. 

Hôm 29-3, Bộ trưởng Nội vụ Trung Quốc Lý Lập Quốc cho biết, những tên gọi “kỳ quái” gây “tổn hại cho chủ quyền và phẩm giá của quốc gia” hoặc “vi phạm các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa và đạo đức truyền thống” sẽ bị loại bỏ. Không chỉ vậy, bản tin của Tân Hoa xã trích lời Bộ trưởng Lý Lập Quốc cho hay, tên đặt cho đường sá, cầu, các tòa nhà và các khu dân cư nếu quá hoành tráng hay xa lạ cũng sẽ phải xem xét lại. Bộ trưởng Nội vụ Trung Quốc yêu cầu, các nhà đầu tư nên chọn tên gọi lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Trung Quốc, như “sông Hoàng Hà” chẳng hạn. 

Những lo ngại về các địa danh hay công trình mang tên nước ngoài dấy lên từ một cuộc khảo sát địa lý bắt đầu được thực hiện vào năm 2014 và kéo dài tới năm 2018. Theo đó, thống kê từ năm 1986 cho thấy, 60.000 tên thị trấn và 400.000 tên làng đã không còn được sử dụng như một hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết. Cũng theo tờ báo này, từ năm 1996, Trung Quốc đã nghiêm cấm việc sử dụng các tên và địa danh nước ngoài cho các địa danh ở Trung Quốc, bao gồm cả lĩnh vực dự án nhà ở nhưng quy định đó không mấy hiệu lực.

Với những yêu cầu mới đặt ra, khó khăn hiện nay là một khi tên gọi đã được sử dụng, việc thay đổi rất khó. Cơ quan chức năng đã cố đổi tên một đường phố ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam vì tên tiếng nước ngoài của nó khi dịch ra tiếng Trung Quốc rất dễ bị phát âm sai, nhưng lại bị người dân phản đối. Còn tại thành phố Phúc Châu, dự án nhà Fontainebleau (thành phố nổi tiếng của Pháp) được lệnh phải đổi tên tiếng Trung Quốc nhưng đó chỉ là trên giấy tờ còn thực tế, các đại lý bất động sản vẫn gọi là Fontainebleau để thu hút người mua nhà. 

Nỗ lực chống Tây hóa

Thực ra, cuộc chiến bài tên ngoại ở Trung Quốc có nguyên nhân sâu xa của nó. Đối với các nhà lãnh đạo nước này, đây là một phần nỗ lực hạn chế bớt ảnh hưởng của văn hóa và tư tưởng phương Tây ngày càng tăng. Trước đó, Bắc Kinh đã cấm sử dụng những cụm từ viết tắt bằng tiếng Anh trong các chương trình truyền hình và phát thanh của nước này, hạn chế việc sử dụng sách giáo khoa phương Tây… 

Nếu nhắc đến nỗi lo của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc về sự nguy hiểm của văn hóa phương Tây, có thể lấy một ví dụ trong bài viết của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được công bố trên một tạp chí Đảng Cộng sản năm 2012. “Chúng ta phải thấy rõ rằng các thế lực thù địch quốc tế đang đẩy mạnh nỗ lực mang tính chiến lược nhằm Tây hóa Trung Quốc, và các lĩnh vực tư tưởng và văn hóa là trọng tâm cho sự xâm nhập lâu dài”, ông Hồ Cẩm Đào viết.

 Chiến dịch loại bỏ các tên nước ngoài hiện nay được đẩy thêm một bước cùng với chiến dịch truy quét tham nhũng và dẹp bỏ những màn phô trương sự giàu có của Chủ tịch Tập Cận Bình khi tình trạng bất mãn xã hội ngày càng tăng phát sinh từ sự chênh lệch quá lớn về thu nhập cũng như sự tăng trưởng chậm về kinh tế.

 Cũng phải nói thêm rằng mỗi khi rắc rối xảy ra, Trung Quốc lại sử dụng thủ thuật buộc tội “lực lượng thù địch nước ngoài” chống phá chính quyền và tạo ra sự bất ổn, ví dụ điển hình là Trung Quốc đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài gây ra vụ sụp đổ thị trường chứng khoán mùa hè năm ngoái.