Trung Quốc liên tiếp tập trận với mưu toan dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền phi pháp trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc liên tiếp tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc muốn hướng tới mục tiêu “kép” vừa khẳng định yêu sách đòi chủ quyền phi pháp tại vùng biển này, đồng thời vừa răn đe với Mỹ, khi cường quốc này gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực cũng như các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh.
Các tàu chiến của Trung Quốc trên tàu đổ bộ trong một cuộc tập trận ở Biển Đông

Các tàu chiến của Trung Quốc trên tàu đổ bộ trong một cuộc tập trận ở Biển Đông

Không ngừng phô trương sức mạnh quân sự

Nhật báo chính thức của Trung Quốc, tờ Nhân dân nhật báo ngày 23-8 dẫn Thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết, quân đội nước này tiến hành diễn tập trong vòng 6 ngày từ 24 đến 29-8 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và Đông Nam đảo Hải Nam. Thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ngang ngược yêu cầu tất cả tàu thuyền của các nước tránh xa khỏi những khu vực này, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức diễn tập trái phép trong 2 tháng qua ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Trung Quốc hiện chưa công bố nội dung, mục đích của cuộc tập trận từ ngày 24 đến 29-8 ở Biển Đông, ngoài thông báo quy mô cuộc tập trận này còn lớn hơn cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Trung Quốc trước đó bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) hoành hành trên thế giới cũng như khu vực vẫn liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông. Trong đó có những cuộc tập trận với sự tham gia của không chỉ hải quân mà các quân, binh chủng khác như cuộc tập trận vào giữa tháng 4-2020, thời điểm cao điểm dịch bệnh ở ngay tâm dịch Trung Quốc và khu vực, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận với sự tham gia của biên đội tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh, máy bay chiến đấu J-15 cùng các tàu khu trục mang tên lửa, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo…

Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận, diễn tập ở Biển Đông trong bối cảnh đại dịch làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội, gây những tổn thất rất lớn về sức khỏe, sinh mạng con người và kinh tế khiến các quốc gia, dư luận khu vực, thế giới bất bình, lên án. Dư luận chung cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 vốn xuất phát từ quốc gia này để tiến hành các hoạt động gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong bối cảnh các quốc gia đều đang rất cần có an ninh, ổn định để dồn mọi nguồn lực phòng chống đại dịch.

Đáng tiếc, đáp lại mọi sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế là liên tiếp các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển của Trung Quốc. Minh chứng là cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn ở đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đầu tháng 8 này và cuộc tập trận đang diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Mục tiêu kép của những hành động “diễu võ giương oai” trên biển

Trung Quốc trở lên hung hăng, “diễu võ giương oai” để phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh mọi yêu sách đòi chủ quyền của họ ở vùng biển này đều bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trong đó, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016 đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines là cú giáng chí mạng vào yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay thuyết “Tứ sa” đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc.

Sau phán quyết khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý trên, các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc đều đã trình công hàm lên Liên hợp quốc phản đội mọi yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này. Mới đây nhất, trung tuần tháng 7-2020, Mỹ đã đưa quan điểm mang tính bước ngoặt khi tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Cùng với việc chính thức và công khai hóa lập trường bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ còn tăng cường sự hiện diện về quân sự ở vùng biển này, xem đó là hành động cụ thể nhằm răn đe toan tính dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Việc cùng lúc triển khai 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới tập trận ở Biển Đông vừa qua được xem là thông điệp đầy cứng rắn của Mỹ đối với bất kỳ tham vọng quân sự hóa hay dùng sức mạnh quân sự nào để đòi chủ quyền ở vùng biển mà Washington khẳng định “có lợi ích sống còn với nước Mỹ”.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả để liên tiếp tiến hành các cuộc diễn tập hay tập trận ở Biển Đông là nhắm tới mục tiêu “kép”. Bằng sự thị uy sức mạnh quân sự, nhất là sức mạnh quân sự trên biển, Trung Quốc vừa muốn khẳng định yêu sách đòi chủ quyền phi pháp tại vùng biển này không hề thay đổi cho dù quốc tế hay khu vực có chỉ trích hay phản đối tới đâu, đồng thời vừa răn đe với Mỹ khi cường quốc này gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực cũng như các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc Trung Quốc không ngừng “diễu võ giương oai” ở Biển Đông được cho trước hết là muốn phát đi thông điệp đe dọa tới các quốc gia trong khu vực, trước hết là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Những cuộc tập trận phô trương sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc so với các quốc gia trong khu vực còn thể hiện chiến lược quân sự hóa xuyên suốt của quốc gia này ở Biển Đông, không giấu giếm mưu toan dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền phi pháp.

Trung Quốc hiện đã chẳng cần che giấu toan tính dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp cả những cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19 cũng như chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan hay tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở Biển Đông có vai trò và vị trí chiến lược trọng yếu không chỉ với khu vực mà toàn cầu.