Trung Quốc “kiềm chế” nhưng có “xuống thang” ở Biển Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không khỏi bất ngờ khi Trung Quốc mới đây đã yêu cầu các lực lượng của quân đội nước này “kiềm chế” với Mỹ ở Biển Đông, song điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ “xuống thang” trong các hành động và nhất là tham vọng độc chiếm vùng biển này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Teagan trở lại tập trận ở Biển Đông

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Teagan trở lại tập trận ở Biển Đông

Nguy cơ “chạm trán” quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông

Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (South China Morning Post - SCMP) ở Hồng Kông mới đây đã dẫn nguồn tin quân sự cho biết, Trung Quốc đã yêu cầu binh sĩ nước này “không nổ súng trước” trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách xuống thang căng thẳng với Washington trên Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc đã yêu cầu phi công chiến đấu và binh sĩ hải quân “kiềm chế” giữa lúc tàu chiến và máy bay quân sự hai bên thường xuyên đối đầu nhau ở Biển Đông.

Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” cũng dẫn nguồn tin quân sự cho biết thêm, Bắc Kinh đã liên lạc với Washington thông qua “nhiều kênh khác nhau” để chuyển thông điệp rằng Trung Quốc đã yêu cầu binh sĩ không quân và hải quân của mình “không bao giờ nổ súng trước”. Phía Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng là Mỹ sẽ xem đây là một cử chỉ thiện chí từ Bắc Kinh để giữ tình hình trong tầm kiểm soát.

Nói là để bày tỏ thiện chí, song nguồn tin từ giới quân sự Trung Quốc cũng “không quên” răn đe phía Mỹ rằng, “quân đội Trung Quốc ngày nay đã khác của năm 2001”, điều mà giới phân tích muốn nhắc tới sự kiện máy bay do thám Mỹ va chạm với máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001 khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn máy bay do thám Mỹ sau đó phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. “Người Mỹ sẽ không còn một manh giáp nào quay về nếu sự kiện đó tái diễn một lần nữa” - giới chức quân sự Trung Quốc cảnh báo trong thông điệp chuyển tới phía Mỹ.

Việc Trung Quốc bất ngờ “bắn” tín hiệu tới phía Mỹ là quân đội nước này sẽ “kiềm chế”, “không nổ súng trước” ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Mỹ thời gian gần đây đều gia tăng mạnh các hoạt động quân sự ở vùng biển chiến lược này. Hai bên liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự, nhất là hải quân, với quy mô lớn cùng sự tham gia của nhiều lực lượng quân đội.

Trong hơn 7 tháng qua, hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều đợt hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông, và với đà này, các hoạt động của hải quân Mỹ trong năm 2020 ở Biển Đông chắc chắn sẽ vượt xa con số 8 đợt FONOPS của năm 2019. Đặc biệt, vài tháng qua, hải quân Mỹ đã liên tiếp điều các nhóm tác chiến tàu sân bay tiến hành tuần tra, tập trận ở Biển Đông.

Trong đó, vào cuối tháng 6-2020, 3 nhóm tàu tác chiến sân bay của Mỹ, gồm USS Theodore Roosevelt (CVN 71), USS Nimitz (CVN 68) và USS Ronald Reagan (CVN 76) đã đồng thời tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hải quân Mỹ triển khai đồng thời 3 biên đội tác chiến tàu sân bay của mình tại cửa ngõ Biển Đông tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Mới đây nhất, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã trở lại Biển Đông từ ngày 14-8 vừa qua, chưa đầy 1 tháng sau cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Nimitz hồi cuối tháng 7, để tiến hành cuộc tập trận khác với không đoàn số 5, tuần dương hạm USS Antietam và 2 tàu khu trục USS Mustin và USS Rafael Peralta của hải quân Mỹ.

Không chỉ liên tiếp tập trận để đáp lại các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc, trong đó có những cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn, hải quân Mỹ thời gian qua cũng đã có những lần “chạm trán” với các tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, với lý do “hỗ trợ “các đồng minh và đối tác theo đuổi những lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”, Mỹ đã hai lần điều tàu chiến hoạt động ở ngoài khơi biển Malaysia, nơi các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc bị tố hoạt động bên trong vùng biển mà Malaysia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này để gây sức ép lên tàu thăm dò dầu khí do công ty Petronas của Malaysia vận hành.

Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông

Việc cùng gia tăng các hoạt động quân sự, nhất là tập trận với quy mô lớn và tần suất liên tiếp, ở Biển Đông có thể dẫn tới những va chạm, đụng độ giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Một cuộc xung đột quân sự sẽ vô cùng nguy hiểm với cả Mỹ và Trung Quốc và hiện giờ không có dấu hiệu nào cho thấy cả hai bên thực sự muốn tình huống xấu này xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng gia tăng, mọi hành động hay tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả khó lường theo kiểu “sai một ly đi một dặm”.

Nhìn nhận về khả năng “va chạm” giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho rằng, cho dù một cuộc xung đột vũ trang tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc là một khả năng xa vời, nhưng chúng ta đang chứng kiến các khí tài quân sự của họ hoạt động thường xuyên với tần suất cao hơn trong lĩnh vực hàng hải. Vì thế, việc “chạm trán” giữa các thiết bị, khí tài quân sự của hai bên có thể gây ra những sai lầm và dẫn đến việc vô tình sử dụng vũ lực, gây tình trạng leo thang căng thẳng. Theo tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, đây là nguy cơ mà không ai có thể lường trước được.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á Reed Werner từng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông khi “tố” tàu Trung Quốc có lần di chuyển “không chuyên nghiệp và không an toàn” gần tàu khu trục USS Mustin lớp Arleigh Burke của Mỹ khi con tàu mang tên lửa dẫn đường này tuần tra trên Biển Đông. Theo ông Reed Werner, đã có ít nhất 9 sự cố liên quan đến máy bay chiến đấu của Trung Quốc và máy bay trinh sát của Mỹ trên không phận Biển Đông thời gian qua.

Nếu nhìn lại quá khứ có thể thấy đã có nhiều vụ va chạm giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài vụ va chạm giữa một máy bay chiến đấu của Trung Quốc với một máy bay do thám Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam năm 2001, một tàu hải quân Trung Quốc vào năm 2006 đã giữ một thiết bị bay không người lái của Hải quân Mỹ trên Biển Đông và sau đó phải trả lại thiết bị này cho Mỹ.

Một cuộc va chạm, đụng độ giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc, theo giới quan sát, dù ngoài mong muốn song có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Một vụ va chạm như vậy, nếu bùng phát nghiêm trọng hơn, là điều cả Washington và Bắc Kinh đều không mong muốn bởi gây thiệt hại khôn lường cho cả hai bên, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang bị chỉ trích và lên án về các hành động gây hấn, hung hăng và bắt nạt ở Biển Đông.

Vì thế, việc Trung Quốc bất ngờ “hạ giọng” nói kiềm chế, không để xảy ra va chạm với Mỹ ở Biển Đông được cho nhằm tránh tình huống xấu, bất lợi cho họ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc “xuống thang” trong các hoạt động quân sự hóa và nhất là việc hiện thực hóa tham vọng chiến lược xuyên suốt đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa”.