Trung Quốc hành động phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

ANTĐ - Hôm qua 9-10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Hải Bình đã cho biết phản ứng của Việt Nam “kiên quyết phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc” trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc hành động phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ảnh 1
 Trong vòng 5 tuần nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã 5 lần lên tiếng về Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Trung Quốc liên tục làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp

Hôm qua 9-10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Hải Bình đã cho biết phản ứng của Việt Nam “kiên quyết phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc” trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước đó, mạng Tin tức Hải Nam (Trung Quốc) ngày 7-10 ngang nhiên đưa tin: Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000 mét cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước hành động này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. 

Ông Lê Hải Bình khẳng định, hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10-2011, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.


Trung Quốc hành động phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ảnh 2
Hình ảnh Trung Quốc ngang nhiên mở rộng cảnh quan và xây đường băng trên đảo Phú Lâm 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Cách đây hơn 1 tháng cũng liên quan tới quần đảo Hoàng Sa, ngày 4-9-2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng phản ứng trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển khởi hành từ thành phố Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam) đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rõ “việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. 

Cách đây đúng 1 tuần, tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2014 vào ngày 2-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhắc lại cụm từ “bất hợp pháp và vô giá trị” khi báo giới quốc tế nêu lên hành động của Trung Quốc trên Biển Đông bị một tạp chí quốc phòng công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc hiện đang xây dựng đảo trái phép trên khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này” - ông Lê Hải Bình nêu rõ. Bởi tuyên bố này có liên quan đến việc Trung Quốc gần đây đang tiến hành cải tạo, thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có bãi đá Gạc Ma, thành các đảo nhân tạo. 

Một tháng trước, ngày 11-9-2014, việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh là: “hành động đơn phương” nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực này và “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực”. 

Người phát ngôn Lê Hải Bình ngày 25-9-2014 cũng từng  cho rằng, trong tình hình hiện nay, tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Đánh giá tác động đa chiều của tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 9-10, tại Hà Nội, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer (Đức) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác”. 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Pgs.Ts Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là điểm nóng đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây. Những hành động gây hấn đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian gần đây đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến cả khu vực, thế giới trên nhiều phương diện khác nhau như an ninh, hợp tác, phát triển, tự do hàng hải và trật tự thế giới mới. 

Trong hai ngày diễn ra hội thảo (9 và 10-10), các học giả quốc tế và Việt Nam trao đổi, thảo luận về những kết quả nghiên cứu mới nhất, đặc biệt tập trung đánh giá tác động đa chiều của tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, từ đó đề xuất các giải pháp theo hướng hòa bình, hợp tác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.