Trung Quốc: Hàng trăm nghìn công chức “ma”, ngồi không “xơi” ngân sách

ANTĐ - Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một giáo viên họ Khám bị phát hiện hưởng lương hơn 10 năm nay dù chưa ngày nào đứng trên bục giảng. Thực tế, đây không phải chuyện hiếm tại nước này, khi việc công chức không đi làm mà vẫn lĩnh lương ngày càng phổ biến, còn Chính phủ chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Trung Quốc: Hàng trăm nghìn công chức “ma”, ngồi không “xơi” ngân sách ảnh 1
Công chức “bù nhìn” hưởng lương công quỹ xuất hiện tràn lan tại Trung Quốc

Hơn 160 nghìn công chức “ma” 

Công chức “ăn không”, công chức “ma” hay “chuột kho bạc”, đó là những cụm từ để chỉ nhân viên Nhà nước không đi làm nhưng vẫn đàng hoàng nhận tiền lương từ công quỹ hàng tháng. 

 Tính từ tháng 6-2013 đến tháng 9 năm nay, khi Trung Quốc triển khai chiến dịch dẹp nạn “ăn không” và tiết giảm chi tiêu Nhà nước, đã có 162.629 công chức “chuột” bị loại bỏ, cắt giảm 114.418 xe công, Tân Hoa xã đưa tin. Trong đó, tỉnh Hà Bắc là nơi có số lượng công chức “ăn không” bị sa thải nhiều nhất với 55.000 người, đứng vị trí thứ hai là tỉnh Tứ Xuyên - 28.000 người, kế đó là tỉnh Hà Nam (15.000 người), tỉnh Cát Lâm (8.600 người),...

Vụ việc công chức “ăn không” gần đây nhất được truyền thông Trung Quốc phát hiện là một giáo viên họ Khám, ở tỉnh Liêu Ninh bị cáo buộc chưa từng lên lớp giảng dạy từ tháng 8-2001 sau khi được nhận vào công tác tại một trường trung học ở huyện Pháp Khố, thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh). Từ tháng 8-2001 đến tháng 12-2009, do giáo viên này không đi dạy nên lương hàng tháng được nhà trường giữ lại. Từ tháng 1-2010 đến tháng 5-2014, tiền lương cơ bản của anh ta được trường chi trả qua tài khoản, tổng cộng 89.732 NDT. Hiện, giáo viên này đã thôi việc và trả lại số tiền lĩnh được trong những năm qua, trong khi hiệu trưởng của trường này bị cách chức vì hành vi dung túng cho sai phạm.

Tính đến cuối tháng 7 năm nay, tỉnh Hà Bắc đẩy mạnh chiến dịch dẹp nạn “ăn không”, truy thu hơn 100 triệu NDT từ những công chức không làm việc, số tiền “khủng” này chiếm 55,12% số tiền đã trả lương cho cán bộ nhân viên toàn tỉnh. 

Muôn vàn thủ đoạn 

Trang Sina dẫn kết quả điều tra của các cơ quan như Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Kiểm toán nhà nước... cho biết, những đối tượng không làm vẫn hưởng lương có rất nhiều “mặt nạ” và vô vàn thủ đoạn. Chẳng hạn như: vẫn hưởng lương dù đã nghỉ việc hoặc cáo ốm dài ngày; mạo nhận tên người khác để lấy lương; không khai tử để lĩnh lương của người đã chết; một người nhưng lĩnh nhiều phần lương; vi phạm pháp luật hoặc bị kỷ luật mà vẫn “ăn” đủ lương; lợi dụng chức vụ chèn tên con cái đang đi học vào danh sách nhân viên của đơn vị... 

Sự phi lý trong những trường hợp sai phạm trên khiến nhiều người dân Trung Quốc vô cùng bức xúc. Một trường hợp điển hình là nguyên Giám đốc Công an thành phố Hạc Dương, tỉnh Hắc Long Giang - Lâm Thắng Tiên. Ông này tuy bị kết án 1 năm tù do ăn hối lộ từ năm 2007, nhưng vẫn được bảo lưu chức vụ và mức đãi ngộ trong 7 năm sau đó. Lý do được nêu ra là cơ quan chức năng Hạc Dương chưa nhận được giấy tờ xác nhận phán quyết Lâm Thắng Tiên có tội từ tòa án (?!). Một trường hợp khác là Trưởng phòng Giáo dục huyện Mãnh Trì, thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam đã “thêm bát thêm đũa” trong “nồi cơm chung” cho cô con gái còn đang ngồi trên ghế nhà trường vào danh sách nhân viên của Phòng Giáo dục. Nhậm Giáo Huấn - Phó chủ tịch huyện Đại Lệ, thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây, trong thời gian giữ chức Phó chủ tịch huyện Phú Bình đã lợi dụng chức vụ chèn tên con trai vào bảng lương của đơn vị. 

Xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”

Theo GS. Thang Tiếu Thiên thuộc Học viện Hành chính Thượng Hải, đằng sau việc bùng phát nạn công chức “ăn không” có bàn tay của những lãnh đạo cấp cao. Từng có trường hợp đơn vị giấu giếm không khai báo dù phát hiện trong cơ quan có công chức (là con cháu lãnh đạo) không đi làm nhưng vẫn “ngồi” trong biên chế tận 15 năm, thậm chí tiền lương và trợ cấp hàng tháng vẫn tăng đều. Năm 2011, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Lạc, thành phố Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây đã thêm tên con gái vào danh sách biên chế của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh để hưởng lợi khoản tiền lương trong 5 năm, dù khi đó cô con gái còn đang học đại học. Khi vụ việc bị phanh phui, người phụ trách trung tâm này lấp liếm đó là trường hợp nhân viên của trung tâm được cử đi học nên không cần có mặt tại cơ quan.

“Cơ chế quản lý lỏng lẻo, biện pháp xử phạt chưa đích đáng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng lợi dụng chức vụ dung túng sai phạm”- Giáo sư Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - ông Tân Minh cho biết. Theo giáo sư này, công tác điều tra chưa được coi trọng và vẫn xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Ông Tân Minh nhấn mạnh, cần đẩy mạnh truy cứu trách nhiệm những cán bộ lãnh đạo có dấu hiệu lơ là quản lý, dung túng sai phạm trong công tác về nhân sự, tài chính. Còn theo một chuyên gia luật, hành vi không đi làm vẫn hưởng lương, “nuốt” tiền công quỹ có thể bị khép vào tội tham nhũng hoặc lừa đảo theo Luật Hình sự. Thậm chí, trang mạng Thiên Long - cơ quan thuộc Sở tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh (Trung Quốc) còn cảnh báo Chính phủ rằng, hành vi thêm tên con cái vào danh sách biên chế dù người đó không đi làm của một số quan chức là hành vi chuyển giao quyền lực, một dạng “tham nhũng mềm”.