Trung Quốc dùng chiêu “khảo cổ” để yêu sách chủ quyền Biển Đông

ANTĐ - Trong thời gian qua, những “di chỉ khảo cổ” được nhà cầm quyền và các học giả Trung Quốc sử dụng, nhào nặn để cố biến thành một loại luận cứ chứng minh cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc  ở Biển Đông. 

Tàu khảo cổ 01 của Trung Quốc thử nghiệm tại sông Trường Giang

Tham vọng lục lọi đáy biển

Cuối tháng 10-2012, Tân Hoa xã loan tin Trung Quốc đang đóng một con tàu phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ học ở những vùng biển ven bờ của Trung Quốc, thậm chí là có thể hoạt động ở các vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đến tháng 1-2014, nước này chính thức cho hạ thủy tàu khảo cổ Trung Quốc 01 đầu tiên dài 56m, rộng 10,8m, chiều cao mạn 4,8m, và độ giãn nước 900 tấn, sử dụng động cơ diesel-điện, có khả năng chịu sóng gió cấp 8, đi biển 30 ngày với hai kho thực phẩm và nước uống. Con tàu này do Viện Thiết kế 701 thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc thiết kế và đóng tại thành phố Trùng Khánh với tổng giá trị là 60 triệu USD. Theo Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc, với việc hạ thủy tàu chuyên dụng cho khảo cổ, đây là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm dưới nước của các nhà khảo cổ học Trung Quốc, vốn trước đây phải sử dụng tàu thuê. Trong khi đó, Báo Hải dương Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, tàu này sở hữu thiết bị định vị dưới nước tiên tiến, có thể giúp phát hiện cổ vật tức thời. 

Hoạt động khảo cổ đã được Trung Quốc đẩy mạnh trong những năm gần đây. Ngày 4-12-2013, Trung Quốc tuyên bố ngang ngược rằng nước này sở hữu hàng nghìn xác tàu đắm dưới đáy Biển Đông. Hôm 8-5 vừa qua, Bắc Kinh ngang nhiên cho biết, một nhóm khảo cổ Trung Quốc đã hoàn tất 55 ngày khai quật trên một con tàu đắm cổ đại tên là Huaguangjiao số 1 ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, phát hiện hơn 10.000 mảnh gốm và sứ cổ… Không chỉ đẩy mạnh chương trình khảo cổ dưới đáy Biển Đông, chính quyền Trung Quốc còn ra lệnh cho lực lượng tuần duyên ngăn chặn các hoạt động khảo cổ tại khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược đòi chủ quyền. Giải thích về hành động trên, các quan chức Trung Quốc nói rằng đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp và săn báu vật mà Bắc Kinh cho rằng đã làm hư hại nhiều địa điểm chứa cổ vật. Như vậy, bằng chiêu trò khảo cổ những xác tàu chìm phát hiện được, Trung Quốc đang âm mưu thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Một nhà khảo cổ Trung Quốc được cho là tìm hiểu xác chiếc tàu đắm ở Biển Đông

Ngang ngược đăng ký “di sản cổ vật” ở Hoàng Sa

Tân Hoa xã ngày 9-7 đưa tin, Bắc Kinh đang thực hiện nhiều hoạt động tại các điểm khảo cổ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận “con đường tơ lụa trên biển” với lý do là bảo vệ các khu vực khảo cổ học ở Biển Đông. Ông Vương Nhất Bình - Giám đốc cơ quan di sản văn hóa tỉnh Hải Nam cho biết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình khai quật những xác tàu đắm tại đảo Hoàng Sa và Quang Ánh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong hai năm tới. Ông này khẳng định rằng vật liệu xây dựng bằng đá và đục chạm khắc có niên đại từ triều đại nhà Thanh (1644 - 1911) cũng được phát hiện tại khu vực này.

Cũng theo ông Vương Nhất Bình, cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương thiết lập đã tiến hành chương trình bảo tồn tại hai đảo Cam Tuyền và Đá Bắc, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa, vào đầu năm 2014.  Ông Vương Nhất Bình cho biết thêm, Trung Quốc thường xuyên thực hiện những khảo sát khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa, sắp tới đây họ còn dự định mở rộng vùng nghiên cứu xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Chúng tôi đang lên kế hoạch về một chương trình khảo sát khảo cổ dưới nước cấp quốc gia, một trụ sở làm việc và một bảo tàng về Biển Đông để bảo vệ “Con đường tơ lụa trên biển”‘, từ đó đưa công trình này vào danh sách đề cử di sản thế giới của UNESCO”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương Nhất Bình cho biết.

Theo nhận định của tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ, thông qua các cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ Trung Quốc nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lê Cát Long tại cơ quan di sản Hải Nam cho biết, các công tác khai quật đến nay vẫn còn hạn chế do khó khăn tài chính, thiếu chuyên gia giỏi, độ sâu của vùng biển khảo sát là 1,2 km.