Trung Quốc đưa đến quanh giàn khoan tới 6 loại tàu chiến

ANTĐ - Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho hay, Trung Quốc đã sử dụng đến 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải độ bộ... để tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Toàn cảnh buổi họp báo quốc tế về tình hình biển Đông lần thứ 4

16h38: Ban tổ chức trình chiếu video thứ 2, do Cục Kiểm ngư cung cấp, cho thấy sự hung hăng, tàn bạo của tàu Trung Quốc, khi quyết liệt đâm tàu cá của Việt Nam cho tới chìm hẳn, "một hành động cực kỳ vô nhân đạo, không thể chấp nhận"- ông Hà Lê nói.

Trung Quốc đưa đến quanh giàn khoan tới 6 loại tàu chiến ảnh 2
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư
16h35: Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư tiếp tục cung cấp thêm thông tin về lực lượng Kiểm ngư trên thực địa: Đến nay có 19 tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc chủ động đâm va làm 12 kiểm ngư viên bị thương. Đặc biệt nghiêm trọng là việc Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam. Tính từ mùng 7-5 tới nay, có 12 tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở uy hiếp, phá hoại tài sản, cản trở thô bạo tại ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tàu Trung Quốc có những hành động như bắn pháo sáng, ném cả búa và vật sắc sang tàu cá Việt Nam...sau đó lấy đi nhiều vật dụng có giá trị của ngư dân cũng như thủy hải sản ngư dân Việt Nam đánh bắt được. Thậm chí các nhân viên trên tàu ngư chính Trung Quốc còn đánh đập trọng thương 2 ngư dân Việt Nam là Nguyễn Huyền Lê Anh (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi) khi họ đang trên tàu cá QNg-90205-TS khai thác hải sản bình thường tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam.

16h30: Ban tổ chức trình chiếu một video ngắn về việc tàu Trung Quốc đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

16h17: Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tổng hợp thêm tình hình: 5h ngày 2-5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Qua hai lần dịch chuyển, đến nay vị trí của giàn khoan này vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hàng ngày, Trung Quốc sử dụng từ 30-137 tàu để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép, trong đó có 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải độ bộ...Riêng ngày 27-5, để bảo vệ giàn khoan di chuyển có 9 chiếc tàu chiến hoạt động. Ngoài ra còn có từ 33-42 tàu gồm: hải cảnh, hải tuần, hải giám, ngư chính; từ 9-11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20-22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15-60 tàu cá.

Ngoài ra Trung Quốc thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng; máy bay cánh bằng dạng cảnh báo sớm; máy bay trinh sát bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 100-1000m.

Trung Quốc đưa đến quanh giàn khoan tới 6 loại tàu chiến ảnh 3
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Tàu Trung Quốc chia thành nhiều tầng lớp, bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Khi tàu của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tổ chức tiếp cận giàn khoan, thì lập tức các tàu Trung Quốc không ngần ngại sử dụng "vòi rồng" phun nước uy hiếp, đâm va trực tiếp, bất chấp hậu quả chìm tàu có thể xảy ra. Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn chiếu vào tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam như ông Trần Duy Hải đã thông báo.

Tính đến nay tàu Trung Quốc đã đâm va gây hư hỏng cho 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam (bao gồm 19 tàu Kiểm ngư và 5 tàu Cảnh sát biển), gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên. Từ hôm qua đến nay (5-6), các hành động đâm va và phun nước của các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.

Phía Việt Nam chỉ đưa ra hiện trường một số lượng tàu hạn chế để thực thi pháp luật. Trong quá trình hoạt động, lực lượng tàu của Việt Nam thực hiện tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan bằng hệ thống loa phóng thanh, băng- rôn biểu ngữ, không có biện pháp khác. Mặc dù bị tàu của Trung Quốc tấn công thô bạo, nhưng lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán tại vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Trung Quốc đưa đến quanh giàn khoan tới 6 loại tàu chiến ảnh 4
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia

16h10: Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia: Thời gian gần đây Trung Quốc đã gia tăng số lượng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, có lúc lên đến 140 tàu các loại (bao gồm nhiều tàu quân sự), các tàu này có hành vi hết sức hung hăng, đâm va, phun nước.... gây hư hỏng cho tàu Việt Nam, làm bị thương nhiều kiểm ngư viên. Đặc biệt tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá Đna 90152 của Việt Nam, sau đó ngăn cản các tàu cá khác Việt Nam đến cứu hộ các ngư dân trong cơn nguy hiểm. Ngay cả tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2016 cũng bị đâm thủng khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Việt Nam.

Hành động nêu trên của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế; gây bất bình trong dư luận và nhân dân Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối.

Trong các ngày 23-5 và 4-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tiếp có công hàm lần thứ 2 và lần thứ 3 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan, tuy nhiên đến nay Trung Quốc vẫn lảng tránh và không trả lời công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam

16h05:Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình nói về bối cảnh: Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp độ khác nhau, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên trao đổi ngay các biện pháp ổn định tình hình và kiểm soát các vấn đề trên biển giữa hai nước. Đến nay đã có trên 30 cuộc trao đổi các loại, trên thực địa tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, kêu gọi Trung Quóc rút giàn khoan và các loại tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và cách xử lý của Việt Nam, phê phán những hành động sai trái của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa đến quanh giàn khoan tới 6 loại tàu chiến ảnh 5
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn phản ứng tiêu cực, có lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, Trung Quốc đã có hành động leo thang mới: mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên đến 140 tàu, hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, trong đó có nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tiến công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu) đến hoạt động ở khu vực giàn khoan. Các tàu Trung Quốc đã vây hãm, chủ động tấn công, cố tình đâm va và dùng vòi rồng công suất cao phun vào các tàu dân sự Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; làm bị thương thêm một số cán bộ kiểm ngư Việt Nam và gây hư hỏng nhiều tàu, thiết bị của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam. Chiều 5-6, lần thứ 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế về tình hình biển Đông. Tới dự có đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước, cùng đại diện một số Đại sứ quán tại Việt Nam.