Trung Quốc "đánh tráo" chủ quyền trên Biển Đông

ANTD.VN - Đơn phương đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế rồi hung hăng, gây hấn với các bên liên quan nhằm hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm” vùng biển này, song Trung Quốc lại huy động “cỗ máy tuyên truyền” để “đánh tráo” chủ quyền.

Trung Quốc "đánh tráo" chủ quyền trên Biển Đông ảnh 1Sự thật và bằng chứng lịch sử cũng như luật pháp quốc tế đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Thông tin hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt và xuyên tạc sự thật lịch sử về Biển Đông

Trung Quốc rõ ràng đã lên một kịch bản kỹ lưỡng cho những hành vi hung hăng nhằm đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn”, mà mới đây nhất là việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vùng thềm lục địa của Việt Nam. Từ đầu tháng 7 vừa qua, khi bắt đầu triển khai tàu khảo sát Hải Dương 8 với sự bảo vệ của nhiều tàu vũ trang cỡ lớn, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam nằm ở phía Nam Biển Đông, Trung Quốc cũng đã đồng thời huy động bộ máy tuyên truyền để tung ra những thông tin hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ pháp lý, xuyên tạc sự thật lịch sử về Biển Đông nhằm “mở mặt trận truyền thông” hậu thuẫn cho hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa tự do hàng hải và hòa bình, an ninh, ổn định trên vùng biển chiến lược này.

Khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An), cũng là lúc ở trong nước Trung Quốc cho phát hành bộ sách giáo khoa lịch sử trung học mới, trong đó có nội dung bịa đặt thêm về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng dày đặc những thông tin, bài báo có những nội dung tương tự, thoạt đầu là trên các trang mạng, trang thông tin điện tử và trên các cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc.

Trong đó, từ ngày 15-7 đến 21-7, Trung Quốc đã cho chiếu bộ phim tài liệu 7 tập “Nam Hải, Nam Hải” (Nam Hải là cách mà Trung Quốc gọi Biển Đông) trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ở kênh Xã hội và Pháp luật. Bộ phim với những nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử này có chủ đề chính nhằm thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc với thông điệp mà Trung Quốc muốn truyền tải là “Nam Hải, vườn nhà của chúng ta”.

Điều cốt lõi và cũng là điều đáng lên án nhất toát lên từ bộ phim tài liệu 7 tập này là nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái về cơ sở pháp lý chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông như “Trung Quốc đã quản lý Biển Đông từ thời nhà Hán đến nay”, nhằm cố ngụy biện cho luận điệu “các đảo trên Biển Đông từ cổ xưa đến nay đã thuộc về Trung Quốc” và cổ súy cho yêu sách chủ quyền nằm trên cái gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Thậm chí, trong phim có nhiều hình ảnh cùng lời bình xuyên tạc “một số quốc gia ngoài lãnh thổ trong đó có Việt Nam, Philippines…”. Trong phim đã có những nội dung hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt và xuyên tạc sự thật lịch sử về Biển Đông như công kích Việt Nam “xâm phạm lãnh thổ”, “khai thác tài nguyên” của Trung Quốc…

Quá rõ để thấy bộ phim “Nam Hải, Nam Hải” cũng như cỗ máy truyền thông của Trung Quốc nhằm tới mục đích gì khi “kẻ tung người hứng” đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử liên quan tới Biển Đông trong khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đó chính là nhằm “đánh tráo” chủ quyền, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam song lại “la làng” đó là “vườn nhà của chúng ta” trên Biển Đông, là Việt Nam “xâm phạm lãnh thổ”, khai thác tài nguyên của Trung Quốc…

Trung Quốc trong bộ phim “Nam Hải, Nam Hải” nói họ “quản lý Biển Đông từ đời nhà Hán”. Điều này thật nực cười và phi lý vì bởi cách đây hơn 5 thế kỷ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây và Đông Nam Á… đề cập và vẽ trong những tấm bản đồ về Việt Nam. Tất cả hệ thống bản đồ cổ đều cho thấy lãnh thổ phía Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc chỉ đến đảo Hải Nam, trong khi lại thể hiện rõ việc Việt Nam có chủ quyền xuyên suốt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Một trong những minh chứng hùng hồn mới nhất là Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28-3-2014 đã tặng một tấm bản đồ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736-1795) hoàn toàn không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc khi đó cũng chỉ tới đảo Hải Nam.

Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Sự thật lịch sử và những bằng chứng pháp lý từ lâu đã khẳng định Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên Biển Đông, trong khi khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như với các cùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982). Ngay đòi hỏi, dù phi lý và phi pháp, về chủ quyền trên Biển Đông cũng mới được Trung Quốc lần đầu đưa ra năm 2009 khi đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, mà theo đó đòi chủ quyền đối với 80% diện tích vùng biển này.

Tuy nhiên, ngay cả với yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và thực tiễn và đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ năm 2016 trong phán xử về vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) kết luận rằng “các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển Đông không được vượt quá giới hạn do Công ước UNCLOS 1982 quy định; việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò 9 đoạn” là vi phạm các quy định của Công ước UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Trong khi đó, theo Công ước UNCLOS 1982, các bãi ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Nói cách khác vùng biển mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động trái phép từ đầu tháng 7-2019 tới nay hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam được quy định tại Công ước UNCLOS 1982.

Dùng bộ máy tuyên truyền “đánh tráo” chủ quyền để rồi tiến hành quân sự hóa và thực hiện các hành vi hung hăng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan trên Biển Đông của Trung Quốc đã đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở không chỉ vùng biển này mà cả thế giới. Điều này là không thể chấp nhận đối với một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ngày nay, chứ chưa nói tới Trung Quốc là một cường quốc và là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan có quyền lực và trách nhiệm cao nhất trong tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh trong việc gìn giữ, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn cầu. Trung Quốc với trách nhiệm là một trong năm nước ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hơn ai hết càng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đi đầu trong việc gìn giữ, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn thế giới.

Trung Quốc vì thế phải chấm dứt ngay những hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan trên Biển Đông, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan cũng như luật pháp quốc tế. Trung Quốc với trách nhiệm của một cường quốc, một ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải hành xử có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trước hết là ở khu vực Biển Đông.