Xây dựng trên quy mô lớn tại bãi đá Gạc Ma của Việt Nam:

Trung Quốc đang thách thức cả thế giới

ANTĐ - Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên quy mô lớn tại bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam đang gặp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế.  

Gạc Ma đã bị biến thành một công trường khổng lồ

Nằm ở điểm cuối phía Nam thuộc cụm Sinh Tồn, bãi đá Gạc Ma là một rạn đá ngầm màu nâu được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, đa phần ngập chìm dưới nước, chỉ có vài hòn đá nổi lên. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam và kiểm soát từ đó đến nay.

Chưa dừng ở đó, thời gian gần đây, từ một bãi đá ngầm, Trung Quốc đã biến Gạc Ma thành một công trường xây dựng khổng lồ. Với sự hỗ trợ của những con tàu khổng lồ, hàng triệu tấn đá và cát đã được nạo vét lên từ đáy biển rồi bơm vào khu vực đá ngầm này, biến nó thành một hòn đảo nổi.

Toan tính gì đằng sau việc làm này? Bằng việc xây dựng quy mô lớn, Trung Quốc đang tìm cách biến các bãi đá ở Trường Sa thành các đảo, tiến tới cho rằng các bãi đá này là nơi có người sinh sống và có đời sống kinh tế. Từ đó, Trung Quốc có thể đưa ra tuyên bố đường cơ sở theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), chứng minh “đường lưỡi bò” là phù hợp với UNCLOS.

Còn từ góc độ quân sự, các nhà phân tích lo ngại Trung Quốc có thể xây dựng trái phép đường băng trên bãi Gạc Ma. Đây sẽ là bước đầu tiên trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như việc Trung Quốc từng đơn phương thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm chuỗi đảo tranh chấp với Nhật Bản mang tên Senkaku/Điếu Ngư, rồi yêu cầu tất cả các máy bay nước ngoài đi qua đây phải báo cáo trước với Trung Quốc.

Hành động đơn phương trên của Trung Quốc nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực Trường Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tuy đã ký DOC nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng bỏ qua quy định trong DOC nêu rõ không bên nào được phép thay đổi hiện trạng, làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông vốn đã phức tạp, việc cải tạo ở Gạc Ma của Trung Quốc còn khiến tình hình bất ổn hơn nên mục tiêu giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình giữa các nước thêm phần khó khăn. Người ta lo ngại rằng nếu không được cảnh báo và phản đối mạnh mẽ, những việc làm của Trung Quốc ở Gạc Ma có thể sẽ tái hiện ở những nơi khác tại Biển Đông, gây nên những cuộc khủng hoảng quy mô lớn, đe dọa an ninh và quốc phòng của các nước trong khu vực. 

Chính vì thế, dư luận thế giới đang phản đối mạnh mẽ việc làm của Trung Quốc. Trả lời báo chí về hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại bãi Gạc Ma, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực này đều là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Philippines cũng đã phản đối việc làm của Trung Quốc và cho rằng đó là hành động khiêu khích. Trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tại Ảrập Xêút về việc Trung Quốc đổ đất cát mở rộng xây dựng trái phép ở một số đảo tại Trường Sa của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry hy vọng các bên tranh chấp sẽ không tự ý đơn phương giải quyết vấn đề mà nên thông qua các tiến trình pháp lý, trọng tài để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.