Sử dụng hải quân trong tranh chấp Biển Đông:

Trung Quốc chọn con đường tự cô lập mình

ANTĐ - Trung Quốc đã có những bước phiêu lưu nguy hiểm, sặc mùi thuốc súng trên Biển Đông. Những tàu chiến lớn được trang bị những vũ khí hiện đại lượn lờ khắp Biển Đông dưới danh nghĩa tập trận, tuần tra, liên tục xâm phạm các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, những vùng biển mà Việt Nam đã có lịch sử chiếm hữu thực tế và lâu dài. 

Dùng mọi chiêu trò khiêu khích

Ngày 24-3, tờ Nhân dân nhật báo ngang nhiên đưa tin: 2 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc bắt đầu tuần tra tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong ngày 24-3, tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Cục Ngư chính Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tàu Ngư chính 312 được cho là con tàu lớn nhất của lực lượng Ngư chính đã đến Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 22-3 để thực hiện cái gọi là “tuần tra” trái phép trên Biển Đông. Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải Ngô Tráng cho biết, tàu Ngư chính 312 từng là chiến hạm Đông Do 621 thuộc biên chế Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc.

Không chỉ vậy, trong khi thực hiện cái gọi là “tuần tra” ở khu vực Đá Vành Khăn ngày 27-3, Tân Hoa xã đưa tin, đội tàu chiến của Hạm đội Nam Hải còn giao lưu với các tàu chiến trực chiến của Hải quân Trung Quốc và tàu Ngư chính Trung Quốc đang tuần tra trái phép tại vùng biển gần đó. 

Đội tàu chiến trên bao gồm: tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, tàu hộ vệ tên lửa Hằng Thủy, tàu khu trục Lan Châu và tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm, thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã rời cảng Tam Á hôm 19-3 và tiến ra Biển Đông, bắt đầu cái gọi là “đợt huấn luyện tuần tra dài ngày” tại đây. Gần 1 tuần nay, đội tàu này liên tục xâm phạm trái phép các khu vực Đá Xu Bi, Đá Ga Ven và Đá Tư Nghĩa… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cao điểm của những hành động ngang ngược của Hải quân Trung Quốc là vụ bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên ngư trường quen thuộc hàng trăm năm nay, ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Đội tàu chiến này còn ngang nhiên tiến sát bờ biển Malaysia để tuyên bố chủ quyền Trung Quốc tại bãi cạn James, nơi chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và cách Brunay 180km. Cần lưu ý là bãi cạn James cách bờ biển Trung Quốc 2.000km.

Âm mưu cũ, thủ đoạn mới

 Có thể thấy, những hành động lấn lướt của Hải quân Trung Quốc gần đây trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực bành trướng trên vùng biển này, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, thách thức dư luận và coi thường luật pháp quốc tế. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã có sự thay đổi chiến lược tranh chấp. Trước đây tham gia tranh chấp trên biển chỉ có lực lượng hải giám, hải chính, kiểm ngư là những lực lượng về mặt hình thức không vũ trang. Còn hiện nay, quân đội và cụ thể là Hải quân Trung Quốc đã trực tiếp tham gia tranh chấp và bằng việc bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã đánh một tín hiệu không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước xung quanh Biển Đông là: Trung Quốc đã sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền trên biển, tức là sẵn sàng dùng súng để chiếm đoạt các vùng biển Trung Quốc thấy cần thiết.

Không chỉ hành động trên thực tế, các tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc cũng như của những nhân vật có trách nhiệm của Trung Quốc cũng thể hiện chiến lược mới này. Ngày 23-3, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài phân tích của Lý Kiệt, chuyên gia về chiến lược biển tuyên bố: đã kết thúc thời kỳ “ngũ long chế hải” (5 con rồng khống chế Biển Đông và biển Hoa Đông) sau khi Trung Quốc tái cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hải dương quốc gia và thành lập Cục Cảnh sát biển và các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa Trung Quốc phải đứng sau hậu thuẫn khi hải giám, ngư chính, hải quan, cảnh sát biên phòng và giao thông hàng hải tham gia “tuần tra, chấp pháp” trong việc duy trì và bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong vụ bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên thừa nhận chính tàu chiến của họ đã nổ súng. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về hành vi này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Chính phủ Trung Quốc cao giọng yêu cầu Việt Nam không để ngư dân đánh cá trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, mặt khác coi hành động tàu chiến Trung Quốc bắn súng vào ngư dân là cần thiết và là hành động bình thường.

Về việc các tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên  trong lịch sử cận đại hải quân của Trung Quốc tiến sâu về phía Nam, tiến xuống bãi đá ngầm James, cách bờ biển Malaysia 80km để tiến hành các cuộc diễn tập và tuyên bố chủ quyền, ông Hồng Lỗi nói như người ngủ mơ: Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Trung Quốc đang hành xử các quyền hợp pháp của mình qua việc thực hiện những cuộc thao dượt này. Đánh giá về việc thay đổi chiến lược tranh chấp, Giáo sư Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Cuộc thao dượt này, một lần nữa, được thiết kế để đánh đi một thông điệp là quân đội Trung Quốc có khả năng hoạt động ở những nơi cách xa lục địa Trung Quốc và cũng có thể đổ bộ lên các hòn đảo và chiếm các hòn đảo để giải quyết vụ tranh chấp, trong trường hợp họ muốn làm như vậy”.

Trung Quốc đang tự cô lập mình

Hành động của Hải quân Trung Quốc đã nổ súng nhằm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị phản ứng dữ dội không chỉ của Việt Nam mà cả dư luận quốc tế.  Ngay sau khi Trung Quốc có hành động khiêu khích trên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 26-3 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ tàu Trung Quốc bắn một tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phản đối mạnh mẽ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ép buộc bất kỳ bên liên quan nào nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. GS.TS Yasushi Watanabe, chuyên ngành Chính sách Văn hóa và An ninh tại Đại học Keio, nguyên thành viên Hội đồng Tư vấn ngoại giao công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản trên Báo Tuổi trẻ cho rằng: “Trung Quốc chọn con đường tự cô lập mình bằng những sự khiêu khích”. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam không đơn độc trong cuộc đối đầu chống lại những hành vi khiêu khích trên biển của Trung Quốc”.

Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam nói: “Việc tàu hải quân Trung Quốc dùng súng bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá bình thường, có thể nói rằng, chưa từng có tiền lệ trên thế giới khi các nước đang hữu nghị với nhau. Trung Quốc đã từng có với Việt Nam 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Nhưng khi người phát ngôn Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định hành động của tàu Trung Quốc là “đúng đắn và hợp lý” là điều không thể chấp nhận được. Chứng tỏ, Chính phủ Trung Quốc “bật đèn xanh” cho cấp dưới làm những việc sai trái. Chúng ta cần nhận thức được thực tế này để có những hành động phù hợp để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ sinh mạng và tài sản cũng như quyền được hành nghề trên biển của ngư dân Việt Nam khi lực lượng Kiểm ngư, được thành lập để bảo vệ ngư trường ngư dân đang từng bước triển khai”.

Bên cạnh những biện pháp cần triển khai sớm là đưa ngay lực lượng kiểm ngư với trang bị mạnh, đủ sức tham gia việc đối đầu với những lực lượng xâm phạm lãnh hải, xua đuổi, trấn áp các tàu cá của ngư dân chúng ta, mặt khác thành lập các tổ dân quân biển tham gia cùng các đội tàu đánh ca để có thể tự vệ, bảo vệ mình trước kẻ cướp, cũng đã đến lúc chúng ta cần có các biện pháp để bảo vệ các vùng biển đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền, tương xứng với các hoạt động của hải quân Trung Quốc. Mặt khác, mặc dù tuân thủ các thỏa thuận, nhưng nếu Trung Quốc luôn làm trái với cam kết, chúng ta có quyền đưa Trung Quốc ra các Tòa án quốc tế. Dân tộc ta luôn lấy hòa hiếu làm đầu, tuy nhiên mọi kẻ thù xâm lược hãy nhớ chỉ cần đụng đến một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng sẽ bị trả giá và sẽ thất bại thảm hại. Dân tộc Việt Nam không biết cúi đầu. Trung Quốc cần phải hiểu chúng ta có rất nhiều phương án đối phó với Trung Quốc nếu mọi thỏa thuận hữu nghị bị chính Trung Quốc xóa bỏ. Hãy dừng lại các bước phiêu lưu, giải quyết hòa bình những tranh chấp Biển Đông theo đúng các quy định quốc tế, những quy định của loài người văn minh.