Trung Quốc càng khát “Kẻ vận chuyển” Il-476, Nga càng đủng đỉnh

ANTĐ - Tạp chí quốc phòng Canada “Kanwa Defence Review” số ra tháng 8 cho biết, Nga và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương vụ mua sắm máy bay vận tải Il-476 và máy bay tiếp dầu Il-76.

Tạp chí quốc phòng này cho biết, một vị quan chức cao cấp trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ, 2 nước Nga và Trung Quốc đã bí mật nối lại đàm phán. Một quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận, họ vẫn cần mua Il-476 nhưng vẫn còn phải nghiên cứu, xem xét chiếc đầu tiên “ra lò” rồi mới quyết định.

Vị quan chức cao cấp Nga cho biết, hiện nay chúng tôi vẫn chưa vội vàng ký hợp đồng chính thức vì Il-476 vẫn đang trong giai đoạn bay thử nghiệm cấp quốc gia. Dự kiến cho đến trước năm 2015, nhà máy sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng máy bay theo yêu cầu của không quân Nga.

Máy bay vận tải hạng nặng Il-476 của Nga

Theo giấy phép sản xuất và xuất khẩu của Il-476, sớm nhất là đến năm 2015 Nga mới được phép xuất khẩu, nếu ký hợp đồng quá sớm sau này vấn đề giá cả sẽ phát sinh tranh chấp không đáng có. Bởi vì, từ giai đoạn ký kết hợp đồng đến thời điểm thực thi, nó còn một khoảng thời gian rất dài, còn phải xem xét cả yếu tố trượt giá nữa.

Kanwa nhận định, Trung Quốc đang khát mua Il-476 hơn lúc nào hết, tuy Y-20 đang tới tấp bay thử nhưng phải mất chục năm nữa mới đến giai đoạn hoàn thiện để trang bị cho bộ đội, hơn nữa nó chỉ được lắp ráp động D30-Kp-2 đã quá cũ, nó không đáp ứng được yêu cầu của loại máy bay hạng vận tải nặng này.

Vì vậy, Trung Quốc đã gạ mua loại động cơ D-18T hiện đang sử dụng trên máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 “Ruslan” của Ukraina, nhưng các quan chức quốc phòng Ukraina và công ty sản xuất động cơ máy bay vận tải “Motor Sich” đã khẳng định sẽ không bán, chứ đừng nói là cấp phép sản xuất cho Trung Quốc.

Máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc

Tuy yếu kém như vậy nhưng do không còn loại động cơ nào tốt hơn, nên Trung Quốc bắt buộc phải lắp đặt D30-Kp-2 trên Y-20, thậm chí là cả máy bay ném bom H-6K. Đây là loại động cơ được Nga xuất khẩu cho Trung Quốc cùng năm với động cơ AL-31F của Su-27SK mà Nga đã cấp giấy phép cho Trung Quốc sản xuất.

Do khát động cơ nên Trung Quốc đã sử dụng chúng trên hầu hết các loại máy bay mình nghiên cứu, thử nghiệm như J-15, J-16, thậm chí là cả J-20. Thậm chí là Trung Quốc còn sử dụng cả động cơ PS-90 thế hệ đầu để nghiên cứu, phát triển động cơ cho máy bay ném bom thế hệ mới.