Trung Quốc bất chấp tất cả để hiện thực hóa tham vọng trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung Quốc được cho là nhắm tới cả những mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài khi tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn với sự tham gia của các lực lượng thuộc ba quân chủng hải - lục - không quân thời gian vừa qua.

Trung Quốc bất chấp tất cả để hiện thực hóa tham vọng trên biển ảnh 1Hình ảnh do quân đội Trung Quốc công bố về một cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo

Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận đổ bộ quy mô lớn 

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 8-8 đưa tin, Lục quân và thủy quân lục chiến Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc diễn tập đổ bộ quy mô lớn ở đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông trong tuần qua. Theo đó, lực lượng lục quân thuộc Tập đoàn quân 74 của quân đội Trung Quốc (PLA), đóng tại tỉnh Quảng Đông, đã tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm bãi biển tại đảo Hải Nam.

Video được CCTV công bố cho thấy, một lữ đoàn lục quân Trung Quốc lên tàu đổ bộ lúc chiều tối, xuất phát vào ban đêm và tới "tiền tuyến" vào sáng sớm hôm sau. Với hỏa lực chế áp tối đa từ các hệ thống pháo phản lực, lực lượng này đã đổ bộ và chiếm thành công bãi biển từ phía phòng thủ.

Giới chức Trung Quốc không thông tin về mục đích của cuộc tập trận quy mô lớn ở đảo Hải Nam, song trước đó, một chiến lược gia quân sự thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã tiết lộ thông tin trên với một tờ báo Hồng Kông là mục đích của cuộc tập trận là để phục vụ cho kế hoạch đánh chiếm quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Quần đảo Đông Sa, rộng khoảng 5.000 km với đảo lớn nhất mang tên Đông Sa, nằm ở Đông Bắc Biển Đông và chỉ cách Hồng Kông khoảng 340 km. 

Cuộc tập trận đổ bộ ở đảo Hải Nam nằm ở phía Bắc Biển Đông là cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn mới nhất diễn ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc dồn dập tiến hành các cuộc tập trận như vậy thời gian qua. Gần nhất, Trung Quốc vừa kết thúc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bán đảo Lôi Châu vào ngày 2-8 vừa qua. Cuộc tập trận này kéo dài hơn một tuần, bắt đầu từ ngày 25-7. 

Thông tin về cuộc tập trận do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 30-7 đã xác nhận, các máy bay ném bom chiến lược H-6G và H-6J của Trung Quốc đã tham gia tập trận "cường độ cao" trên Biển Đông, thực hành tấn công các mục tiêu trên biển ở khoảng cách xa và gần. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai máy bay ném bom chiến lược H-6J, biến thể mới nhất của dòng oanh tạc cơ H-6 có khả năng mang theo 7 tên lửa chống hạm YJ-12 với tầm hoạt động xa hơn H-6G.

Giới quân sự cũng cho rằng đích nhắm trực tiếp của cuộc tập trận có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược H6 của Trung Quốc cũng là quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. Các oanh tạc cơ chiến lược H-6 này không phải là "người lạ" với Đài Loan khi các máy bay chiến đấu của Đài Loan đã liên tục cất cánh trong tháng 6 và 7 vừa qua nhằm ngăn chặn máy bay ném bom Trung Quốc khi chúng tiến vào vùng nhận dạng phòng không của vùng lãnh thổ này.

Khi cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Hải Nam vừa kết thúc, Trung Quốc đã có kế hoạch tổ chức hai đợt diễn tập bắn đạn thật tại Biển Hoa Đông vào các ngày từ 11 đến 13-8 và từ ngày 16 đến 17-8. Những cuộc tập trận đổ bộ, tập trận trên biển liên tiếp của Trung Quốc vừa gây căng thẳng trong khu vực, vừa khiến các quốc gia, bên liên quan lo ngại sâu sắc.

Càng lo ngại hơn khi Trung Quốc trong những năm qua đã đầu tư đáng kể cho năng lực tác chiến đổ bộ, mà điển hình là việc bắt đầu cho chạy thử sơ bộ tàu sân bay trực thăng lớp Type-075 từ ngày 5-8 vừa qua. Tàu lớp Type-75  với lượng giãn nước tới 40.000 tấn, có thể chở được 30 máy bay trực thăng các loại hoặc các máy bay chiến đấu cất/hạ cánh trên đường băng ngắn, có vai trò rất quan trọng trong các cuộc tấn công đổ bộ.

Đằng sau những cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo của Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc tổ chức hàng loạt cuộc tập trận và diễn tập đổ bộ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan và nhất là Biển Đông. Đây cũng là những đích nhắm trực tiếp của các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này.

Giới chuyên gia Trung Quốc đã tuyên bố mang tính răn đe rằng, bất cứ sự cố hàng không hoặc hàng hải nào với Mỹ trong khu vực có thể khiến “xung đột mất kiểm soát và dẫn tới leo thang căng thẳng”. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc có thể được coi là “biện pháp đáp trả và răn đe mạnh mẽ với hành động khiêu khích quân sự của Mỹ”.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn không chỉ dừng ở những mục đích trên. Với sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh quân sự, khả năng và năng lực tác chiến của hải quân Trung Quốc đã được nâng cao đáng kể, vượt trội so với các quốc gia trong khu vực và trở thành đối thủ ngày càng đáng gờm của Mỹ.

Việc tập trận đổ bộ vừa tiến hành thử nghiệm trong điều kiện gần thực chiến nhất các trang thiết bị vũ khí chuyên dụng hiện đại như các tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu sân bay trực thăng… vừa nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng thuộc cả 3 quân chủng hải - lục - không quân của Trung Quốc. Điều này được Trung Quốc coi rất quan trọng để có thể đối đầu sòng phẳng với Mỹ, trước hết là ở những vùng biển gần Trung Quốc lục địa.

Trong bối cảnh đã đưa ra những yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn” và thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng không hề che giấu toan tính dùng sức mạnh quân sự để hiện thực hóa tham vọng này. Trung Quốc vì thế có mục đích rõ ràng trong việc phát triển các trang thiết bị vũ khí chuyên tác chiến đổ bộ cũng như không ngừng tập trận, diễn tập để nâng cao khả năng đổ bộ của quân đội nước này.

Chạy đua vũ trang trên biển của Trung Quốc, trong đó có nâng cao sức mạnh của lực lượng tiến hành đổ bộ đánh chiếm đảo, do đó nhằm thực hiện tham vọng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông. Việc cùng một lúc tổ chức đồng thời các cuộc tập trận lớn ở các vùng biển nhạy cảm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải bất chấp việc Mỹ điều cùng lúc nhiều biên đội tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược tới để răn đe phát đi tín hiệu rất đáng lo ngại là Trung Quốc có thể bất chấp tất cả để thực hiện bằng được tham vọng chủ quyền trên biển, trước là Biển Đông.