Trung Quốc bán 2 tàu ngầm “đồ cổ” lớp Minh cho Bangladesh

ANTĐ - Theo tờ New Age cho biết, Bangladesh đang hoàn tất các khâu cuối cùng trong thỏa thuận mua 2 tàu ngầm lớp Minh của Trung Quốc. 

Hồi tháng 01/2013, Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina đã lần đầu tiên công bố quốc gia này có kế hoạch mua các tàu ngầm nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Hasina không công bố thông tin chính xác Bangladesh sẽ mua tàu ngầm của quốc gia nào, song giới chức quân sự nước này tiết lộ với báo chí rằng, họ đang đàm phán với phía Trung Quốc.

Tờ New Age cho biết, bản hợp đồng mua 2 tàu ngầm của Trung Quốc, trị giá 200 triệu USD, hiện đang chờ kết quả phê chuẩn cuối cùng của Bộ Tài chính Bangladesh, các khoản tiền trên sẽ được chi trả trong năm tài khóa 2017 - 2018 và các tàu ngầm sẽ được chuyển giao vào năm 2019.

Biên đội tàu ngầm thông thường Trung Quốc

Bài báo cho biết, việc Bangladesh mua tàu ngầm của Trung Quốc không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi vì lâu nay Dhaka đã dựa vào nguồn cung các trang thiết bị quân sự từ Bắc Kinh. Hải quân Bangladesh đã mua đất tại hòn đảo Kutubdi để xây dựng một căn cứ tàu ngầm.

Tuy nhiên, động thái này đang gây quan ngại cho quốc gia láng giềng của Bangladesh là Ấn Độ. New Dehli đang lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng bành trướng ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương.

Tờ Times of India tiết lộ, những thông tin liên quan tới các cuộc đàm phán mua bán tàu ngầm giữa Bangladesh và Trung Quốc đã khiến Tư lệnh Hạm đội phía Đông của Ấn Độ tăng cường sự hiện diện tại Vịnh Bengal.

Tàu ngầm thông thường lớp Minh - Type 035 của Trung Quốc

Bài báo dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Ấn Độ cho biết: "Vì sao Bangladesh cần mua tàu ngầm? Quyết định mua tàu ngầm của chính phủ nước này và những xung đột nội bộ kéo dài của Bangladesh đang khiến chúng tôi lo ngại. Ngoài ra, chúng tôi nghi ngờ các tàu ngầm Trung Quốc đang tìm mọi cách xâm nhập vào vùng lãnh hải của Ấn Độ trên Vịnh Belgan”.

Vị quan chức này nhấn mạnh: “Đây chính là lý do buộc Ấn Độ phải tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực này. Hiện nay, Ấn Độ chưa sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc xung đột nào, tại khu vực Vịnh Belgan gần với bang Tây Belgan, do thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ".