Trung Quốc bác kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Maldives

ANTĐ - Ngày 28-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, nước này không có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Maldives, sau khi quốc đảo này thông qua dự luật cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai tại đây.

Bất chấp có những quan ngại cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ lợi dụng luật này để mở rộng hiện diện quân sự, nhưng tuần trước Maldives đã thông qua một dự luật nhằm phép người nước ngoài sở hữu đất với điều kiện là ít nhất 70% diện tích được khai hoang từ biển.

Đảng Dân chủ Maldives, vốn đã lên tiếng phản đối dự luật này, nói rằng dự luật có thể tạo nên "sự tiếp cận chưa từng có cho người nước ngoài hoạt động tại Maldives." Trong khi đó, một nghị sỹ đã cáo buộc chính phủ tạo điều kiện cho sự hiện diện lớn hơn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Trong một tuyên bố gửi hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cuộc bỏ phiếu này là vấn đề nội bộ của Maldives, nhưng Trung Quốc muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với nước này, vốn nổi tiếng với những khu nghỉ mát lặn biển sang trọng.

Một sân bay tại quốc đảo Maldives
Trung Quốc "luôn tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực của Maldives nhằm duy trì chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Những gì mà những người có liên quan nói về việc Trung Quốc xây căn cứ ở Maldives là hoàn toàn vô căn cứ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng một số quan ngại về ý đồ quân sự của Trung Quốc đã gia tăng bởi việc nước này đang nỗ lực xây dựng một mạng lưới cảng biển, được biết đến là "Chuỗi Ngọc trai", ở Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, một số người còn lo lắng rằng Trung Quốc có kế hoạch thiết lập những trạm trinh sát điện tử tại khu vực này, bao gồm cả ở Myanmar, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.

Trong một nỗ lực nhằm làm giảm bớt những quan ngại về kế hoạch tăng cường hiện đại hóa quân sự của mình, Bắc Kinh đã nhiều lần thanh minh rằng họ không muốn thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài để quân đội của họ có thể bảo vệ những lợi ích ngày càng lớn của một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới này.