Trung - Nhật bí mật đối thoại về tranh chấp trên biển Hoa Đông

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã bí mật đến Tokyo để thương lượng nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa hai nước về nhóm đảo tranh chấp.

Ngày 12/10, phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản, ông Osamu Fujimura cho biết, ông Luo Zhaohuoong, vụ trưởng vụ châu Á, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc gặp với ông Shinsuke Sugiyama, Tổng vụ trưởng vụ châu Á - Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Tối 10/10, ông Fujimura xác nhận một tuyên bố của Bộ ngoại giao Nhật về cuộc gặp nói trên.

Cuộc gặp dường như đã đánh đi một tín hiệu về một sự sẵn sàng của hai nước, chí ít cũng là bắt đầu thảo luận về bất đồng giữa Bắc Kinh và Tokyo, thường rất nhạy cảm về quyền kiểm soát đối với nhóm đảo được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc.
Theo tuyên bố của Bộ ngoại giao Nhật, các nhà ngoại giao đã “trao đổi ý kiến” về việc giải quyết tranh chấp và tổ chức các cuộc đàm phán chuẩn bị cho một cuộc họp cấp cao hơn giữa hai nước sẽ tổ chức vào một thời điểm chưa được xác định.

Trong khi cả Nhật Bản và Trung Quốc không cho biết thêm chi tiết, cuộc gặp cho thấy hình ành đầu tiên về động thái ngoại giao kín đáo nhằm làm dịu cuộc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng đã đẩy hai cường quốc châu Á ngày càng mâu thuẫn nhau, bắt đầu gây thiệt hại rộng lớn đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Việc tổ chức được cuộc họp dường như đẫ báo hiệu rằng hai nước đã muốn rút khỏi cuộc đối đầu đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố ở Trung Quốc và trò chơi mèo đuổi chuột giữa các tàu tuần tra của họ trên biển.
Ông Fujimura đã bày tỏ hy vọng rằng một cuộc họp cấp cao, dự kiến ở cấp thứ trưởng, sẽ là một bước tiến đầu tiên để giảm căng thẳng. “Điều quan trọng là cả Nhật Bản và Trung Quốc cần phải tạo ra một môi trường quan hệ cải thiện bằng cách bắt đầu với một số nỗ lực trao đổi. Chúng tôi hy vọng sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn”. Ông Fujimura nói.

Quần đảo đang tranh cãi Trung-Nhật Senkaku/Điếu Ngư
Quần đảo đang tranh cãi Trung-Nhật Senkaku/Điếu Ngư
Cũng trong ngày 12/10, sứ quán Trung Quốc tại Tokyo xác nhận cuộc gặp và nói rằng nhà ngoại giao Trung Quốc, ông Luo, đã rời Nhật Bản.

Tin tức trên báo chí Nhật Bản nói rằng hai nhà ngoại giao đã nói chuyện với nhau qua điện thoại để dàn xếp cuộc gặp này sau khi cuộc gặp tháng trước ở Bắc Kinh không đem lại kết quả. Điều này cho thấy hai nhà ngoại giao có thể đã sử dụng quan hệ cá nhân để thu hẹp khoảng cách khác biệt giữa hai nước.

 Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nổ ra dữ dội năm nay khi thị trưởng thành phố Tokyo có đầu óc dân tộc chủ nghĩa tuyên bố muốn mua lại một số hòn đảo từ chủ sở hữu, một công dân Nhật Bản.
Tin này đã thúc đẩy một số nhà hoạt động ở cả hai nước tổ chức các chuyến đổ bộ lên một hòn đảo đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều nhận có chủ quyền.
Căng thẳng leo thang tháng 9/2012, khi Thủ Tướng Nhật Bản, Yoshihilo Noda, tuyên bố Chính phủ Nhật Bản sẽ mua lại các hòn đảo đó. 

Trong khi ông Noda hy vọng giải quyết sự đối đầu căng thẳng bằng cách ngăn không cho thị trưởng Tokyo sở hữu các đảo, động thái này lại gây ra phẫn nộ ở Trung Quốc.
Các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Nhật Bản và tẩy chay hàng hóa Nhật đã gây phương hại đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Thương mại hai chiều năm ngoái đạt 345 tỷ USD.
Bị trào lưu dân tộc chủ nghĩa hối thúc trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã sức ép lên Nhật Bản bằng cách cử một đội tầu tuần tra không vũ trang nhỏ đến khu vực biển gần quần đảo. Những chiếc tàu này bị các tầu tuần duyên Nhật theo dõi, xua đuổi và kết quả là đã có những lời lẽ qua lại giữa hai bên, trong đó mỗi bên dùng còi và điện đài buộc tội bên kia xâm phạm chủ quyền của mình.
Các tranh cãi căng thẳng thậm chí đã có lúc dẫn đến khả năng, dù rất nhỏ nhưng rất đáng lo ngại về việc kéo Mỹ vào một cuộc đối đầu quan sự với Trung Quốc: Washington theo nghĩa vụ hiệp ước, buộc phải bảo vệ Nhật Bản nếu Nhật bị tấn công, và các quan chức Mỹ trước đây đã từng nói rằng những đảo này nằm trong trách nhiệm của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Đến nay các quan chức Mỹ đã tránh ủng hộ yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào, đồng thời kêu gọi cả hai nước giảm tranh chấp.