Trung-Mỹ-NATO lại tiếp tục cuộc đấu khốc liệt ở Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ đang xem xét đưa ra điều kiện thuận lợi hơn, để cạnh tranh hợp đồng tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ với các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc và châu Âu.

Công ty Raytheon và Lockheed Martin đã thảo luận sơ bộ với chính phủ Mỹ về việc vấn đề sửa đổi điều kiện dự thầu, từ đó tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ trước đối thủ. 2 công ty này đang xem xét phương án toàn diện hơn, có thể nâng cao khả năng phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả khả năng hai bên cùng hợp tác sản xuất.

Trước đây, hệ thống tên lửa “Patriot” của Raytheon và Lockheed Martin đã thất bại trong gói thầu hợp đồng tên lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ với công ty của Trung Quốc, châu Âu và Nga. Hệ thống tên lửa FD-2000, phiên bản xuất khẩu của hệ thống Hồng Kỳ-9 (HQ-9) của Trung Quốc được Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn. Tuy nhiên, Ankara đã gặp phải sức ép ghê gớm từ Mỹ và NATO về vấn đề HQ-9 không thể tương thích với các hệ thống phòng không của NATO.

Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Cuối tháng 10 vừa qua, Cục công nghiệp bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lùi việc đấu thầu mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa đến 31-01-2014. Việc này có nghĩa là Ankara đã phủ quyết quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc và bắt buộc phải tổ chức đấu thầu lại. Tuy nhiên, Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga đã quyết định bỏ, không tham gia đấu thầu lại.

Cục công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gửi thông báo mời 3 công ty tham gia dự thầu và tuyên bố sẽ kéo dài thời gian đấu thầu để các bên có thể đưa ra phương án đấu thầu mới. Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hệ thống tên lửa phòng không “Patriot” của Mỹ và "Aster-30" của châu Âu với nhiều điều khoản sửa đổi hấp dẫn hơn. 

Chính phủ Mỹ đã từng nhiều lần gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên của khối NATO thay đổi quyết định. Hãng tin Anh Reuters bình luận, Washington coi Ankara là đối tác quan trọng ở khu vực Trung Đông, hai nước có lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh năng lượng và chống khủng bố. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có vai trò độc lập hơn trong công việc toàn cầu, chứ không muốn chỉ nghe và làm theo lời của Mỹ.