Trứng gia cầm phải rửa sạch, khử trùng trước khi bán: Quy định ngẫu hứng!

ANTĐ - Trong khi Thông tư 33 quy định về thời gian bán thịt lợn chưa có hướng chỉnh sửa thì mới đây, Bộ NN&PTNT lại có thêm Thông tư 34 quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở thu gom, kinh doanh trứng gia cầm. Nếu chiểu theo các quy định tại thông tư này, thì phần lớn các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm hiện nay trên cả nước sẽ phải đóng cửa!?

Các hộ chăn nuôi, kinh doanh đều giật mình vì quy định của Bộ NN&PTNT

Xa thực tế

Để quản chặt chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT vừa cho ra đời Thông tư 34 quy định về điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Theo đó, rất nhiều quy định được đưa ra đối với cơ sở thu gom, cơ sở kinh doanh trứng gia cầm. Song, đáng nói, nhiều quy định tại Thông tư này lại quá xa rời điều kiện thực tế hiện nay. 

Theo đó, đối với các cơ sở thu gom và bảo quản trứng thương phẩm bắt buộc phải có khu bảo quản trứng, khu xử lý nước thải, ngoài ra, còn phải có khu làm sạch và khử trùng bằng hoá chất, khí ozôn và tia tử ngoại. Thậm chí, Thông tư còn quy định chi tiết về phương pháp làm sạch trứng như làm sạch, khử trùng phải đảm bảo không làm ô nhiễm bên trong trứng từ vỏ trứng và hoá chất làm sạch, khử trùng. Việc khử trùng trứng phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y về nồng độ, liều lượng và thời gian tiếp xúc của hoá chất, khí hoặc tia chiếu dùng khử trùng trứng. Trứng phải được làm khô sau khi được làm sạch và khử trùng. Bên cạnh đó, việc bao bì đóng gói, dãn nhãn mác của trứng cũng được quy định khá ngặt nghèo. Như phòng đóng gói trứng phải đảm bảo sạch sẽ và không có côn trùng; sản phẩm sau khi được đóng gói phải được đưa ngay vào kho bảo quản. Còn, đối với các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm, Thông tư 34 cũng quy định, trứng gia cầm phải được làm sạch và khử trùng trước khi đóng gói và nhãn mác theo quy định trước khi bày bán…

Những tưởng, những quy định tại Thông tư này sẽ giúp người tiêu dùng bớt lo lắng về tình trạng mất VSATTP hiện nay. Song, nhìn lại càng không hiểu, Thông tư 34 của Bộ NN&PTNT đặt ra quy định đối với quốc gia nào. Vì, tại Việt Nam hiện nay, chỉ một phần rất nhỏ doanh nghiệp đáp ứng được các quy định nói trên. Tại TP Hồ Chí Minh, nếu chiểu theo các quy định của Thông tư này thì sẽ có 72/77 cơ sở phải đóng cửa?

Cần phê bình ai?

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, Thông tư 33 và Thông tư 34 đang được các cơ quan chuyên môn sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp thực tế và khả thi trong cuộc sống. “Bộ NN&PTNT đã phê bình các cơ quan soạn thảo Thông tư trong thời gian vừa qua chưa chặt chẽ. Cách lấy ý kiến của các Bộ, ngành địa phương không khoa học, thành thử kết quả thu về không như mong đợi. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ, từ nay các văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư phải được soạn thảo theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng. Không để xảy ra những chuyện tương tự”. Cũng theo ông Tần, nếu quá trình sửa đổi đến ngày 3-9 (ngày Thông tư 33, 34 có hiệu lực) mà chưa xong thì sẽ gia hạn thi hành. Tất cả các công đoạn này sẽ được thông báo cho các đối tượng chịu sự áp dụng của Thông tư nếu có sự điều chỉnh.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã có những Thông tư với những quy định được chuyên gia cũng như người dân cho rằng, quá tùy hứng. Đành rằng, sai thì sửa, nhưng cũng không thể ngẫu hứng cho ra đời những quy định ảnh hưởng sát sườn tới cuộc sống, kinh doanh của người dân. Từ Thông tư 66 quy định về kiểm soát thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đến Thông tư 33 về quy định thời gian bán thịt lợn và nay là Thông tư 34. Bộ NN&PTNT không nên quá nóng vội trong vấn đề siết chặt ATTP để tránh đưa ra những quy định kiểu “giật cục” như vừa qua. Cũng theo ý kiến của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, Bộ NN&PTNT đã phê bình các cơ quan soạn thảo không chặt chẽ, vậy trách nhiệm của Thứ trưởng ở đâu, khi chính Thông tư 33 và Thông tư 34 do Thứ trưởng ký ban hành?