Trưng cầu dân ý Dự thảo Hiến pháp Thái Lan: Canh bạc "tất tay"

ANTĐ - Chính phủ Thái Lan đã quyết định vào ngày 7-8 tới sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp mới, một văn kiện đang gây nhiều tranh cãi và bất đồng ở nước này. Theo báo The Nation: “Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) và các đối thủ sẽ chơi canh bạc tất tay”, trong đó cả những tướng lĩnh cầm quyền và các chính đảng đối kháng đang chuẩn bị bước vào canh bạc “được ăn cả, ngã về không”.   

Thái Lan thường xuyên xảy ra biểu tình lớn do khủng hoảng chính trị

NCPO đối mặt thách thức

Cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với tính hợp pháp của NCPO, đang nắm quyền tại Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Đã có nhiều đồn đoán về kết quả chọn lựa của người dân trong cuộc bỏ phiếu này - chấp nhận hay bác bỏ bản Hiến pháp mới vốn đã được soạn thảo, trong khi đất nước do một Chính phủ quân sự lãnh đạo.

Khả năng bản Hiến pháp mới được thông qua lên tới 60%, song nếu Hiến pháp mới bị bác bỏ, đó sẽ là một thảm họa đối với quân đội Thái Lan vì điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử. Bất chấp điều đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ không từ bỏ quyền lực, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao. 

Để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý, Đảng Pheu Thai và các đồng minh đã tăng cường những nỗ lực tác động để cử tri bỏ phiếu chống lại dự thảo Hiến pháp. Trong khi đó, bên ủng hộ văn kiện này được cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban và các đồng minh của ông này dẫn dắt cũng làm điều tương tự.

Để đối phó với những hành động của phe phản đối dự thảo Hiến pháp, Chính phủ của Thủ tướng Prayuth đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thiết lập các trung tâm “trị an” ở cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn quốc nhằm đảm bảo cuộc trưng cầu sẽ không bị ngăn cản. Peace TV, một kênh truyền hình vệ tinh có liên quan đến phe Áo Đỏ, đồng minh của phe Pheu Thai thân Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra, cũng đã bị đình chỉ phát sóng vệ tinh trong thời gian một tháng bắt đầu từ ngày hôm nay, 10-7.

Những biện pháp tương tự khác có thể sẽ được chính quyền quân sự tiếp tục áp đặt trước thềm cuộc bỏ phiếu mà các tướng lĩnh tin rằng họ có thể chiến thắng, nhưng với một xác suất thắng lợi không chắc chắn. Nếu xác suất này không tăng lên đáng kể, sẽ có nhiều thách thức nảy sinh, mở đường cho các đối thủ, đặc biệt là phe Pheu Thai/Thaksin, để chơi ván bài riêng của họ nhằm chống lại quyền lực của NCPO. Trong một kịch bản như vậy, ông Suthep Thaugsuban và các đồng minh cũng sẽ quay trở lại sân khấu chính trị với chiến thuật đối đầu quen thuộc lại được sử dụng một lần nữa. 

Nhân tố mới của phe Áo Đỏ

Trong bối cảnh này, cựu Bộ trưởng Y tế kiêm phụ tá thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra là bà Khunying Sudarat Keyuraphan đã bước vào “cuộc chiến” sau khi “nằm yên” một thời gian dài. Bà Keyuraphan từng cố gắng đóng vai trò hòa giải, nhưng đối thủ “không đội trời chung” của Đảng Pheu Thai - Đảng Dân chủ và nhà lãnh đạo đảng này, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, đã từ chối tham gia một cuộc họp được lên kế hoạch gần đây với đảng Pheu Thai và các nhà lãnh đạo chính đảng khác.

Phải nhìn nhận rằng chính nữ chính trị gia kỳ cựu Sudarat vừa trở thành biểu hiện của sự hồi sinh và là một nhân tố quan trọng trong cuộc đấu tranh mới nhất của những người ủng hộ phe Pheu Thai/Thaksin để giữ một vai trò quan trọng trong nền chính trị Thái Lan sau khi bị cuộc đảo chính năm 2014 làm cho tê liệt.

Khi ông Thaksin còn là Thủ tướng, từ đầu những năm 2000, bà đã là một gương mặt nữ hàng đầu trong Nội các và giữ nhiều vị trí quan trọng. Bà cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Thái Lan chống lại dịch cúm gia cầm và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS).

Giờ đây, bà Keyuraphan nổi lên như là một sự lựa chọn mới để lãnh đạo đất nước nếu phe Pheu Thai/Thaksin giành thắng lợi một lần nữa. Một số chuyên gia phân tích chính trường Thái Lan cho rằng bà có thể là ứng cử viên thứ tư cho chức thủ tướng mà phe này đưa lên kể từ sau khi ông Thaksin bị phế truất. Trước đó là các ông Samak Sundaravej, Somchai Wongsawat và bà Yingluck Shinawatra. 

Dự thảo Hiến pháp thiếu cân bằng

Về nội dung dự thảo Hiến pháp, 3 chính đảng lớn nhất - Đảng Dân chủ, Đảng Pheu Thai và Đảng Charthaipattana - đã thống nhất quan điểm rằng văn kiện này được thiết kế để khống chế một chính phủ dân cử và kiểm soát chặt chẽ các chính sách của nó đến mức mà không có chính phủ nào có thể hoạt động. 

Điểm mấu chốt là các cơ quan độc lập như Ủy ban Bầu cử, Văn phòng Tổng Công tố và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia được phép “đình chỉ” các chính sách của Chính phủ. Và các đảng này đã đúng. Đó cũng là một quan điểm được chia sẻ bởi một số tổ chức xã hội dân sự. Tuy nhiên, trong khi các chính trị gia tiếp tục phản đối việc kiểm soát một Chính phủ dân cử, thì chỉ có rất ít chính trị gia thừa nhận rằng chính họ cũng là một phần của vấn đề.

Cái cách mà các chính trị gia Thái Lan hành xử đã gây ra sự chia rẽ chính trị sâu sắc. Họ không cho thấy vai trò lãnh đạo chính trị khi cần thiết và để cho các xung đột và bất đồng giữa các chính trị gia tràn ra đường phố và trở thành lực lượng chủ chốt của các cuộc biểu tình, dẫn đến bạo lực và chết chóc. 

Những cuộc biểu tình chính trị kéo dài và bạo lực đường phố khi đó đã thúc đẩy Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha tiến hành cuộc đảo chính, hành động mà báo Bangkok Post vào thời điểm đó và bây giờ luôn phản đối vì tin rằng đó không phải là giải pháp đúng đắn. Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, nội dung cơ bản của bản dự thảo Hiến pháp mới, dù đã có nhiều yếu tố tích cực, song lại không cân bằng.

Trong khi nhiều người vẫn không tin tưởng các chính trị gia và rất vui mừng chứng kiến các biện pháp hạn chế xã hội, thì họ cần phải có tầm nhìn xa hơn đối với bộ máy chính trị quốc gia. Mặc dù Chính phủ Thái Lan hiện nay đã cam kết cải cách, nhưng có rất ít hy vọng rằng các quan chức, các chính trị gia, sẽ có những thay đổi tích cực.

Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc thông qua dự thảo Hiến pháp ra sao, các vấn đề cốt lõi đang gây rắc rối cho Thái Lan vẫn sẽ chưa thể được giải quyết. Minh bạch hơn, quản trị tốt, trọng dụng nhân tài và loại trừ chế độ bảo trợ chính trị “thâm căn cố đế” chính là những giải pháp cần được thực hiện.