Trúc trắc, khó nhớ với bản dịch mới "Sông núi nước Nam"

ANTĐ - Với ý nghĩa của bài “Sông núi nước Nam” vốn được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, việc giảng dạy tác phẩm này luôn được các thầy cô giáo coi trọng, nhưng với bản dịch hiện hành nhiều giáo viên cho rằng học sinh khó thuộc hơn so với cách dịch cũ.
Trúc trắc, khó nhớ với bản dịch mới "Sông núi nước Nam"  ảnh 1

Làm khó học sinh 

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 hiện hành, phần dịch bài thơ: “Sông núi nước Nam”  khiến nhiều người phản ứng với những thay đổi so với bản dịch trước đây đã được học trong sách giáo khoa cũ. Trước đây, bài thơ: “Sông núi nước Nam” được dịch là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Còn hiện nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành lại có bản dịch như sau:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Với cách dịch trước đây, bài thơ đã trở nên rất quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ với học sinh mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với sách giáo khoa hiện hành, bản dịch này được nhiều phụ huynh nhận định là trúc trắc, khó đọc và không hay như bản trước.

Một giáo viên trường THCS Đống Đa cho biết, việc học sinh không nhớ, hay chép sai khi được yêu cầu học thuộc, chép lại bài thơ này là việc thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, đây là sách giáo khoa nên giáo viên vẫn phải giảng và yêu cầu học sinh nhớ theo đúng chi tiết đã đưa. “Tùy theo yêu cầu của mỗi giáo viên trên lớp, học sinh có thể sử dụng bản phiên âm Hán-Việt, bản dịch trước đây hay bản dịch hiện hành. Tuy nhiên, nếu để thi, kiểm tra ở mức độ cấp trường, cấp thành phố thì vẫn phải theo đúng sách giáo khoa, vì nếu xảy ra tranh cãi thì còn dựa vào đó để làm căn cứ” - giáo viên này cho biết. 

Bài thơ “Sông núi nước Nam” có rất nhiều bản dịch,  trong đó bản dịch thuộc sách giáo khoa cũ là bản dịch khuyết danh. Bản dịch trong sách giáo khoa lớp 7 hiện nay do Lê Thước - Nam Trân dịch, đây đều là các chuyên gia dịch thuật Hán Nôm đầu ngành. “Rất có thể chủ biên sách giáo khoa muốn giới thiệu đến học sinh những bản dịch khác nhau và có tên tuổi tác giả rõ ràng” - cô giáo trường THCS Đống Đa phân tích.

Nỗi khổ của giáo viên

Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô giáo trường THCS Đống Đa cho biết, bản dịch trước đây hay bây giờ đều không làm thay đổi ngữ nghĩa của bài thơ gốc. Có chăng chỉ có cách thể hiện từ ngữ khác nhau, tuy nhiên ở bản dịch hiện hành thì lời thơ không vần, khó nhớ hơn bản dịch trước. “Là giáo viên, tôi vẫn thường chú trọng giới thiệu tới các em bản phiên âm Hán Việt trước tiên rồi mới đến bản dịch sau. Dù sao, tác phẩm này vẫn được coi là một trong những tác phẩm dễ học, dễ dạy hơn nhiều các tác phẩm văn thơ Trung đại Việt Nam khác” - giáo viên này chia sẻ.

Về việc dạy các tác phẩm văn học Trung đại, nhiều giáo viên cho rằng việc dạy và học văn học Trung đại đến nay vẫn còn là nỗi khốn khổ, gây nhiều khó khăn, phiền toái cho người dạy lẫn người học. Học sinh THCS vốn sống ít ỏi, khả năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện nên chưa thể cảm nhận được hết cái hay cái đẹp của văn học Trung đại.  Khác lạ về ngôn ngữ, vốn sống chưa đủ để cảm nhận văn học mang hơi thở thời cuộc cách xa hàng trăm năm khiến học sinh không mấy hào hứng với các tác phẩm này. 

Nhiều giáo viên bày tỏ, khi học sinh bước vào bậc THPT thì mới nên để các em tiếp cận các tác phẩm văn học Trung đại, bởi lúc này các em đã có ý thức và năng lực cảm nhận tốt hơn. Việc học những tác phẩm phù hợp sẽ khiến học sinh không sợ môn Văn mà dẫn tới ghét và sợ môn học vốn rất quan trọng này.