Trực thăng Mi-38 Nga khiến tên lửa phòng không vác vai "hít khói"

ANTĐ - Thành tựu mới của ngành chế tạo trực thăng Nga là Mi-38 có trần bay cao nhất thế giới, ngang với các máy bay cánh cố định, vượt trên tầm mọi hệ thống phòng không vác vai (MANPADS).

Vừa qua, ông Igor Bugakov Phó Tổng giám đốc nhà máy trực thăng Kazan thuộc tập đoàn "Trực thăng Nga" (Russian Helocopter) đã thông báo với các phóng viên về việc nhà máy bắt đầu sản xuất các phiên bản quân sự của trực thăng bay cao nhất thế giới Mi-38.

Song song với đó, nhà máy cũng sẽ sản xuất phiên bản dân sự của Mi-38. Vào cuối năm 2015, Mi-38 đã nhận được chứng nhận cơ bản của Cơ quan Hàng không Liên bang, vì thế không còn trở ngại pháp lý để khởi động việc sản xuất hàng loạt.

Dự kiến, các máy bay trực thăng vận tải quân sự đầu tiên sẽ được cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2018. Song song với đó, Kazan cũng sẽ phát triển thêm các biến thể Mi-38 phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ và cứu thương, trực thăng chở khách 30 chỗ ngồi.

Theo tuyên bố của Nga, Mi-38 thuộc loại máy bay trực thăng vận tải hạng trung. Nếu không hoàn toàn thay thế cho dòng trực thăng vận tải đa năng hạng nhẹ Mi-8/17 nổi tiếng trong tương lai, thì nó cũng sẽ chiếm vị trí quan trọng giữa chúng và trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26.

Trực thăng Mi-38 gồm hai phiên bản dân dụng và vận tải quân sự, khác nhau ở một số chi tiết, động cơ và hệ thống. Trực thăng quân sự Mi-38 được trang bị 100% các cấu kiện của Nga, phiên bản dân sự có tỷ lệ nội địa hóa 90%, chỉ hệ thống nhiên liệu và một số thiết bị là nhập khẩu từ Pháp.

Trực thăng Mi-38 (bay trước) của Nga có trần bay cao nhất thế giới

Trực thăng được phát triển với mục đích thay thế để thay thế dòng máy bay Mi-8/17, thiết kế theo kiểu cổ điển của Liên Xô/Nga, với 6 cánh quạt chính, 4 cánh quạt đuôi, bố trí hình chữ X. Tất cả cánh quạt của Mi-38 đều được làm bằng vật liệu sợi thủy tinh, tuổi thọ phục vụ hầu như không giới hạn.

Máy bay có chiều dài 19,70m, đường kính cánh quạt 21,1m, chiều cao 5,13m và diện tích cánh quạt khi quay là 349,5m2. Để tăng độ an toàn chống cháy, thùng nhiên liệu của Mi-38 được thiết kế bên trong thân máy bay, dưới sàn khoang chở hàng, không treo bên ngoài như Mi-8.

Ngoài ra, để tăng hệ số an toàn chống cháy nổ cho máy bay, toàn bộ khung gầm của Mi-38 được chống đỡ bằng bốn bánh cố định có khả năng triệt tiêu lực va chạm, có thể chống chịu được sự cố máy bay rơi từ độ cao 15 mét, không để xảy ra cháy nhiên liệu.

Thiết bị khoang lái được thiết kế ở trình độ tự động hóa cao cho phép chỉ cần biên chế tổ lái 2 phi công (không cần kỹ sư máy) và toàn bộ hệ thống điều khiển được trang bị thiết bị truyền động thủy lực.

Mi-38 lắp hai động cơ tuốc bin khí Klimov TV7-117V của Nga. Lực cất cánh của mỗi động cơ gần 2500 mã lực (Hp), nhưng trong tình huống khẩn cấp cần gia lực thì cả hai động cơ có thể cung cấp tổng công suất lên tới 7000 Hp.

Nhờ vào tính năng cực khỏe của động cơ, Mi-38 có thể vươn tới độ cao 3.000m chỉ trong 6 phút, khả năng bay xa tối đa 900-1.300 km với tốc độ trung bình 295 km/h (vận tốc tối đa 320km), ở độ cao tới 5,1 km, tràn bay cao tối đa lên tới hơn 9km.

Mi-38 tại gian trưng bày các thiết bị hàng không vũ trụ, trong khuôn khổ triển lãm hàng không Moscow 2013 (MAKS 2013)

Mi-38 có trọng lượng cất cánh tối đa là 15,6 tấn, có khả năng chở được tối đa 36 người hoặc 5 tấn hàng hóa được chất trong cabin chở hàng, còn hệ thống treo bên ngoài có thể cẩu được tới 6 tấn.

Mi-38 được thiết kế ban đầu với mục đích là trực thăng vận tải, do đó các nhà thiết kế đặc biệt chú ý đến các tiện lợi bốc dỡ hàng. Trực thăng trang bị cửa mở lớn ở phía sau thân máy bay và cửa bên có bậc thang. Ở đây còn có bố trí tời kéo tải trọng 300 kg.  

Loại máy bay trực thăng mới của thương hiệu trực thăng Nga nổi tiếng có thể hoạt động trong mọi điều kiện địa hình và khí hậu, trên đất liền và ngoài biển. Ưu điểm nổi trội khác của Mi-38 là có thể cất, hạ cánh không quá đòi hỏi vào điều kiện cơ sở hạ tầng của sân bay.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất của trực thăng này là nó có trần bay cao nhất thế giới, tới hơn 9000m, ngang với các máy bay cường kích cánh cố định, vượt qua trần phóng tối đa của tất cả các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) hiện nay.

Với trần bay này, Mi-38 sẽ được bảo vệ an toàn trong bối cảnh chiến trường của chiến tranh hiện đại đầy rẫy những hệ thống phòng không vác vai của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp…, giúp hoạt động tăng cường quân, bổ sung vũ khí, trang bị, hậu cần không bị gián đoạn.