Trục lợi bảo hiểm: Khoảng 10% số hồ sơ có nghi vấn

ANTĐ - Trục lợi bảo hiểm và dự kiến bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở là những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân cũng như doanh nghiệp bảo hiểm. Xung quanh các vấn đề này, ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Bảo hiểm xe cơ giới là một trong những nghiệp vụ gặp nhiều rủi ro do tình trạng trục lợi

- PV: Thưa ông, số lượng các vụ trục lợi bảo hiểm chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm? 

- Ông Phùng Đắc Lộc: Số vụ nghi vấn trục lợi bảo hiểm nằm trong khoảng 10% số hồ sơ yêu cầu bồi thường. Trong số nghi vấn này chúng tôi cũng phát hiện ra khoảng 50%, còn 50% khó có thể tìm được lý do từ chối bồi thường. Bởi sức ép theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm là khi nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì trong vòng 15 ngày phải giải quyết bồi thường, nếu từ chối bồi thường phải có văn bản và nêu rõ lý do, nên không có đủ thời gian điều tra, thẩm tra kỹ càng các hồ sơ nghi vấn. 

Chúng tôi đưa ra rất nhiều giải pháp, thứ nhất là từng doanh nghiệp bảo hiểm phải có biện pháp phòng chống. Mà phòng chống ngay từ khâu khai thác, phải nhìn thấy tài sản không bị hư hỏng gì, đánh giá rủi ro rồi mới tham gia, chấp nhận bảo hiểm, ví dụ như không để tình trạng xe ô tô đã bị hư hỏng rồi mới đi mua bảo hiểm.

Thứ hai là trong khâu quản lý khách hàng phải đánh giá phân biệt được những khách hàng nào hay xảy ra rủi ro, tiềm ẩn những rủi ro như thế nào để có cảnh báo giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau.

Tiếp theo là khâu giám định, phải phối hợp với lực lượng công an. Ví dụ khách hàng nhập khẩu khô đậu tương, bột xương để sản xuất thức ăn gia súc bị thất thoát, những mặt hàng này không phải bán cho ai cũng được mà chắc chắn sẽ tuồn về những cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn gia súc. Khi công an vào cuộc thì rất dễ để điều tra. 

- Thời gian qua, Bộ Xây dựng có đề xuất bắt buộc các dự án bất động sản phải mua bảo hiểm nhà ở để bảo vệ người mua nhà, nếu triển khai thì có khả thi hay không?

- Trên hoạt động kinh doanh bảo hiểm có loại hình bảo hiểm trách nhiệm thực hiện hợp đồng, cụ thể hơn là gần như bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Bất kỳ một hợp đồng nào mà khả năng thực hiện hoặc khả năng thanh toán giá trị hợp đồng còn bấp bênh thì đối tác ký kết hợp đồng có yêu cầu bảo lãnh hay bảo hiểm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

Trong nhiều hợp đồng xây dựng cũng có điều khoản bảo lãnh. Thông thường bên cấp bảo lãnh là ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Các đơn vị này có khả năng phong tỏa tài sản, cầm cố thế chấp một tài sản nào để đảm bảo mới phát hành bảo lãnh.

Trường hợp người thực hiện hợp đồng không thực hiện được thì ngân hàng phải bỏ tiền ra đền bù thiệt hại này và đằng sau đó họ nắm được tài sản cầm cố, thế chấp của người thực hiện hợp đồng. 

Thay vì các tổ chức thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tham gia phát hành bảo lãnh. Nếu mỗi một chủ dự án xây dựng nhà chung cư để bán thì mục đích là phải huy động vốn từ người mua nhà theo một trình tự thời gian nhất định để hoàn thành công trình. Đến một thời gian dự kiến phải bàn giao cho người mua căn hộ chung cư và được quyền thanh toán nốt giá trị hợp đồng khoảng 20 – 30% giá trị còn lại.

Ngược lại, nếu bên thực hiện hợp đồng không bàn giao được căn hộ chung cư, tiền của nhà đầu tư góp vào bị sử dụng sai mục đích và người mua nhà bị thiệt hại. Nếu dự án được bảo hiểm đứng ra bảo lãnh thì rủi ro này doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bảo vệ quyền lợi của người mua chung cư.

Trục lợi bảo hiểm: Khoảng 10% số hồ sơ có nghi vấn ảnh 2

Trong khối bảo hiểm phi nhân thọ, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm giai đoạn 2007 - 2011 là 3.973 vụ với tổng số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng. Trục lợi bảo hiểm tập trung nhiều vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn con người.