Trụ cột kinh tế - thương mại trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với sự phát triển nhanh chóng và tích cực kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, kể cả trong lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - thương mại thực sự là trụ cột và động lực của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ. Điều này thêm một lần nữa được khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc hội kiến với Phó Tổng thống Kamala Harris nêu rõ hợp tác kinh tế - thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ Việt - Mỹ

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc hội kiến với Phó Tổng thống Kamala Harris nêu rõ hợp tác kinh tế -

thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ Việt - Mỹ

Đối tác kinh tế lớn của nhau

Thúc đẩy, tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại là một chủ đề nổi bật trong các cuộc gặp gỡ, hội kiến với lãnh đạo Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26-6. Trong các cuộc hội kiến này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hệ kinh tế - thương mại song phương, coi đây là trụ cột và động lực của quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Nhìn lại chặng đường phát triển của hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong hơn 26 năm qua kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao càng thấy rõ khẳng định của lãnh đạo nước ta với Phó Tổng thống Kamala Harris.

Theo thống kê, sau 25 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 333 lần, từ hơn 233 triệu USD năm 1994 lên 77,5 tỷ USD vào cuối năm 2019. Đây thực sự là kết quả rất ấn tượng, ít có trong quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thị trường cách xa nhau, ít ưu đãi thương mại hơn so với các đối tác khác.

Điều đáng nói là đà tăng trưởng nhanh của trao đổi thương mại Việt Nam và Mỹ tiếp tục duy trì khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam và Mỹ vượt mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và 2 nước cùng hướng tới con số 100 tỷ USD trong năm 2021 này. Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt 62,5 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vì thế, có thể nói kim ngạch thương mại song phương lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD/năm là hoàn toàn khả thi.

Tính chung giai đoạn 5 năm 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7 năm nay, các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư tổng cộng 1.100 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, xếp thứ 11 trong tổng số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tính riêng 7 tháng đầu năm nay, Mỹ có 45 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là hơn 415 triệu USD, xếp thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất trong cùng kỳ đầu năm.

Không chỉ tăng mạnh về giá trị, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ còn chuyển biến tích cực về chất lượng. Từ chỗ chỉ tập trung xuất khẩu các nhóm hàng nông sản, dệt may, giày dép, đến nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi đáng kể theo hướng đa dạng với sự góp mặt của nhiều nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo như thiết bị, linh kiện điện tử, sắt thép, sản phẩm cao su, đồ nội thất. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là thị trường tiêu thụ các sản phẩm Mỹ có thế mạnh như máy móc thiết bị, công nghệ cao, nhiên liệu, nông sản ôn đới. Đây chính là nền tảng vững chắc để duy trì tăng trưởng cao và bền vững của hợp tác kinh tế - thương mại giữa 2 nước.

Hợp tác kinh tế hài hòa, bền vững, cùng có lợi

Chiều 26-8, phát biểu tại cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala Harris bày tỏ tin tưởng rằng, chuyến thăm báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam. Trong chương mới của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, hợp tác kinh tế và thương mại sẽ tiếp tục là một trụ cột và động lực rất quan trọng.

Việt Nam và Mỹ hiện có nhiều tiềm năng để có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hơn nữa trong tương lai. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy ở Mỹ thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới với trên 2.000 tỷ USD/năm, nguồn vốn, công nghệ dồi dào. Ngược lại, Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Mỹ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do.

Quan trọng hơn hết là chính phủ, nhân dân và giới doanh nghiệp 2 nước đều mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động hết sức tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam và Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế.

Trước mắt là những tác động từ dịch bệnh đối với chuỗi cung ứng, thay đổi trong mô thức kinh doanh, nhu cầu thị trường. Những tác động, ảnh hưởng này đang gia tăng sức ép cạnh tranh, với hình thái mới, gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp. Song ở khía cạnh khác, đây cũng có thể tạo ra cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt, tự điều chỉnh, định vị lại mình trong đổi thay lớn của nền kinh tế - thương mại toàn cầu và mỗi quốc gia.

Chính vì vậy, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trên cơ sở những nền tảng đã được gây dựng, 2 nước cần cùng nỗ lực thích nghi, hợp tác và cạnh tranh để vươn lên trong bối cảnh hiện nay. Hai bên cũng cần tập trung khai thác lợi thế so sánh mỗi bên, mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại, khuyến khích đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, hàng không, giáo dục, nghiên cứu phát triển.

Thích ứng và vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 nhằm tăng cường hợp tác làm ăn kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ có thể thấy qua cam kết của Mỹ về việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã công bố đội ngũ lao động cho Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới (WISE) cung cấp 2 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sang lực lượng lao động đào tạo tốt hơn, giúp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng, việc xây dựng các kỹ năng số cho Việt Nam “sẽ tăng cơ hội giao thương giữa Mỹ và Việt Nam đồng thời thúc đẩy các công nghệ của Mỹ”. Cũng trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của 2 nước vẫn tiếp tục triển khai các dự án đầu tư lớn vào thị trường của nhau. Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott đã thỏa thuận hợp tác tổng thể để phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Mỹ trị giá hơn 3 tỉ USD; Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã ký thỏa thuận liên doanh nhằm phát triển Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ với giá trị khoảng 1,4 tỉ USD… Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup của Việt Nam cũng đang xúc tiến dự án phát triển ô tô điện trị giá tới tỷ USD tại Mỹ.

Với nỗ lực của cả 2 bên, Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại phát triển ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.