Trừ chi phí phòng, chống dịch khi tính thuế: Cần đơn giản hoá chứng từ, thủ tục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đại diện Tổng cục Thuế, việc khấu trừ chi phí ủng hộ, tài trợ chống dịch và chi phí chống dịch tại doanh nghiệp khi xác định thu nhập chịu thuế cần quy định đơn giản về chứng từ, thủ tục.

Theo Nghị định 44/2021/NĐ-CP, các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, Nghị định 44 chưa có hướng dẫn cụ thể về các loại chứng từ, thủ tục, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, tổ chức gặp khó trong việc kê khai chi phí khấu trừ theo quy định tại Nghị định này.

Tới đây, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành song song hoạt động thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch và kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 ngay trong quý 1/2022.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức bày tỏ mong muốn có hướng dẫn đơn giản, thuận tiện hơn khi kê khai các chi phí ủng hộ, tài trợ Covid-19 được trừ khi tính thuế, tránh bị làm khó khi thanh tra, kiểm toán.

Doanh nghiệp muốn có hướng dẫn đơn giản hoá chứng từ, thu tục khi kê khai chi phí chống dịch được trừ khi tính thuế

Doanh nghiệp muốn có hướng dẫn đơn giản hoá chứng từ, thu tục khi kê khai chi phí chống dịch được trừ khi tính thuế

Đây cũng là đề xuất được của ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn nêu ra. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, tại Nghị định 44, Chính phủ có ban hành kèm 1 biểu mẫu để doanh nghiệp, tổ chức kê khai các khoản chi ủng hộ, tài trợ Covid-19.

Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến quá nhanh nên việc tài trợ cũng phải rất nhanh, người tài trợ đôi khi không thể đáp ứng yêu cầu của Nghị định 44 là kê khai các khoản theo biểu mẫu, nhất là khi có Nghị định 44 thì việc ủng hộ đã qua rồi.

“Câu chuyện là chúng ta phải đơn giản hoá chứng từ, thủ tục. Ví dụ doanh nghiệp tài trợ bằng tiền thì có phiếu chi, chuyển khoản có biên lai chuyển đi, mua hàng có hoá đơn, chứng từ… Cần có hướng dẫn doanh nghiệp nếu không kê khai được theo bảng kê kèm theo Nghị định 44 thì có thể làm 1 phiếu kế toán, liệt kê chi phí, kèm theo đó là hoá đơn (nếu mua hàng), phiếu xuất kho, đơn vị nhận thì có biên nhận, thậm chí thư cảm ơn cũng có thể coi là một loại chứng từ…” – ông Phụng nói.

Cùng với đó, theo đại diện Tổng cục Thuế, đối với các khoản doanh nghiệp chi ra cho người lao động cũng như chi cho việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở doanh nghiệp… cũng cần phải có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp có thể yên tâm thực hiện. Từ đó, tránh việc thanh tra, kiểm toán sau này nếu không được loại trừ khỏi chi phí tính thuế khiến doanh nghiệp vừa mất tiền, vừa bị phạt, vừa bị mất điểm trong chấp hành pháp luật, giảm uy tín với thị trường.

“Thiết nghĩ, Bộ Tài chính hoặc Tổng cục Thuế có thể sớm ban hành văn bản này trứớc thời hạn doanh nghiệp thực hiện khai thuế năm 2021 (trước 30/3/2022)” – ông Phụng kiến nghị.