Khi “hàng trắng” bủa vây những ngôi làng:

Trong vòng tội lỗi

ANTĐ - Không có “4 nhất” như ở Hoàng Lương (Hiệp Hòa) nhưng xã Ngọc Vân (Tân Yên - Bắc Giang) lại trở thành nơi trung chuyển ma túy từ Hòa Bình, Lạng Sơn sang Trung Quốc và các vùng phụ cận.

“Bà tổ” làng ma túy

“Bà tổ” của làng ma túy nổi tiếng có tên là Nguyễn Thị Ca (SN 1944) tại Gia Lương (Thuận Thành - Bắc Ninh). Bà Ca kết hôn cùng ông Dương Ngôn Luyện, ở xóm Hội Phú, xã Ngọc Vân thời kỳ những năm đất nước còn chiến tranh. Từ những năm 1979, ở Ngọc Vân đã bắt đầu xuất hiện nạn buôn bán ma túy mà kẻ cầm đầu chính là con dâu của làng Nguyễn Thị Ca.

Biệt thự của một đối tượng mới bị bắt vì ma túy 

 Biệt thự của một đối tượng mới bị bắt vì ma túy

Bà Ca đã rủ rê anh em họ hàng “cùng nhau làm giàu” bằng ma túy. Đối tượng Ca lên tận Lai Châu, Điện Biên lấy hàng về và đến năm 1999 thì thuốc phiện được nâng cấp lên thành heroin và thuốc ma túy tổng hợp. Lúc này, mạng lưới “phân phối hàng” của thị Ca là trên 170 đối tượng đủ mọi thành phần “nam, phụ, lão, ấu” với mức độ liều lĩnh và số lượng hàng trăm bánh mỗi lần chuyển hàng.

Nhiều lần bị bắt, đi tù rồi ra trại, lại buôn ma túy và vào tù, đến năm 2010, bà Ca bị bệnh tiểu đường rồi mất tại Ngọc Vân, chấm dứt “sự nghiệp” của một trùm ma túy cộm cán tinh vi nhất. Theo một nguồn đáng tin cậy mà chúng tôi có được, dân buôn ma túy tại đây đã đúc tượng bà Ca để tưởng nhớ “công ơn” người đã đưa ma túy về làng và dẫn dắt các đối tượng vào cái nghề buôn “cái chết trắng”.

1.000 năm tù và những án tử hình

Ông Nguyễn Công Tới - Trưởng Công an xã Ngọc Vân chìa quyển sổ ghi rõ tên tuổi và lý lịch của các đối tượng đã bị bắt vì buôn bán ma túy. Quyển sổ màu hồng tươi được gấp nếp ngay ngắn là tên của hơn 200 đối tượng đã bị bắt và xử với các mức án khác nhau.

Quyển sổ ấy bắt đầu được ghi từ năm 2000 đến nay. Năm 2000 có 6 đối tượng buôn bán ma túy bị bắt, rồi chỉ 2 năm sau con số ấy vượt lên mức 32 đối tượng. Cứ qua từng năm, con số lúc tăng lúc giảm và cho đến khi chốt 6 tháng đầu năm 2011 đã có trên 200 đối tượng phải vào “nhà đá bóc lịch”.

Ngồi trầm tư cùng ông Tới tại trụ sở UBND xã khi trời sắp tối, tôi lôi máy tính ra cộng năm tù của các đối tượng đã bị bắt, nếu chỉ tính trung bình mỗi đối tượng 5 năm tù giam thì con số đã ở mức 1.000 năm. Còn nếu tính tỉ mỉ cả mức án tử và chung thân thì con số lớn hơn rất nhiều.

Tính đến thời điểm hiện nay, tại Ngọc Vân đã có 27 án chung thân, 11 án tử hình, trong đó đã thi hành tử hình 5 đối tượng nguy hiểm. Ở Ngọc Vân, ma túy hiện hữu ở 24/24 thôn xóm. Tuy chưa có một con số thống kê chính xác tổng lượng ma túy được phân phối qua những tay buôn ở Ngọc Vân là bao nhiêu nhưng có một điều chắc chắn, nếu hàng trăm gia đình ở Ngọc Vân chịu hậu quả nhãn tiền từ ma túy thì mức ảnh hưởng đối với xã hội sẽ không thể cân đo đong đếm được.

Vợ chồng rủ nhau vào… tù

Chuyện vợ chồng con cái rủ nhau vào tù là có thật và đang diễn ra một cách đáng lo ngại ở “rốn” của “cơn bão” ma túy khủng khiếp này. Hai bên trục đường chính dẫn vào xã Ngọc Vân, từng dãy nhà cao tầng với đủ loại kiến trúc cao thấp, tây - ta lẫn lộn xếp cạnh nhau.

Ông Tới không giấu giếm: “Ở xã này, vợ chồng rủ nhau đi buôn ma túy rồi cùng nhau vào tù nhiều lắm chú ạ. Chỉ thương cho con cái của các đối tượng ấy thôi, bị kỳ thị ghê lắm”.Thế rồi ông Tới mở sổ đếm, đúng 10 đôi vợ chồng đã cùng nhau vào tù ra tội không biết bao nhiêu lần. Nguyễn Thị Mai (SN 1967), ở Kha Sơn (Phú Bình - Thái Nguyên) lấy chồng tại Ngọc Vân là một ví dụ.

Khi đi tiếp tế cho chồng là Nguyễn Văn Trung đang chấp hành hình phạt vì tội buôn bán ma túy tại trại Phú Sơn 4, Mai quen biết với Đinh Đình Lâm, ở xóm Quán, xã Thanh Ninh (Phú Bình - Thái Nguyên). Đổ tội cho “dòng đời xô đẩy” nên Mai đi theo “vết xe đổ” của chồng khi cùng Lâm khăn gói lên Sơn La mua heroin. Kế hoạch gần trót lọt thì Mai và Lâm bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Mai mức án tử hình. Khi ấy, hai đứa con của Mai vẫn còn nhỏ, đứa lớn 14, đứa nhỏ ở tuổi 12.

Ông Bùi Ngọc Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân ngậm ngùi: “Con em các đối tượng này số nhiều là học sinh nên bị kỳ thị là điều không tránh khỏi. Chúng tôi cũng đã họp bàn và quán triệt với các trường xóa bỏ sự kỳ thị và giúp đỡ các em được học hành cách tốt nhất”.

Vẫn còn là điểm nóng

Đó là khẳng định của ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên về nạn buôn bán ma túy tại xã Ngọc Vân. Ông Dương nhấn mạnh: “Đó là một địa bàn phức tạp nhất của huyện Tân Yên”. Dẫn chứng cụ thể nhất cho sự “nóng” của xã Ngọc Vân là vụ đấu súng trong rừng của trùm ma túy Vũ Đình Sơn. Tối 15-6, Sơn vận chuyển một số lượng lớn ma túy từ Mộc Châu - Sơn La về Hà Nội.

Đến địa bàn huyện Tân Lạc - Hòa Bình, khi thấy tín hiệu yêu cầu dừng xe, Sơn đã thốc ga “con” Civic lao thẳng qua các chốt kiểm soát, cố tình đâm vào xe công an. Chưa dừng lại ở đó, với bản tính liều lĩnh côn đồ, Sơn đã rút súng bắn vào lực lượng công an khiến một trung úy bị thương. Sau một đêm vật lộn, cơ quan công an đã phải huy động chó nghiệp vụ khép vòng vây tóm gọn Sơn trong một cánh rừng thuộc huyện Tân Lạc.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo như lời của ông Nguyễn Văn Tới - Trưởng Công an xã Ngọc Vân thì các đối tượng liều lĩnh hơn Sơn còn rất nhiều và tinh vi. Chúng hoạt động với đủ mọi thủ đoạn tàn độc, bất chấp nguy hiểm để thực hiện mục đích.

“Năm 2003, Bộ Công an đã khảo sát và xây dựng Phương án 635 - xóa bỏ tụ điểm mua bán ma túy tại xã Ngọc Vân và vùng lân cận. Tháng 7-2003, chính quyền địa phương nhận được phương án và bắt đầu hành động. Nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, thu nhiều kilogam ma túy… Nhưng Ngọc Vân vẫn là điểm nóng, cần cảnh giác để chiến đấu với bọn tội phạm nguy hiểm này”, ông Nguyễn Văn Tới - Trưởng Công an xã Ngọc Vân cho biết.