Trong vòng tay khít chặt của dòng Mekong

ANTD.VN - Nghề phóng viên cho tôi - một người ham xê dịch - có nhiều chuyến đi, cả trong và ngoài nước. Nhưng chuyến đi đầu tiên của tôi trên đất bạn Lào 7 năm trước, cùng 2 “hướng dẫn viên” đặc biệt: Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội và Đại tá Đào Lê Bình, nguyên Tổng  Biên tập Báo An ninh Thủ đô, khiến tôi nhớ mãi…

Đại tá Đào Lê Bình tặng ấn phẩm Báo ANTĐ cho Cảnh sát giao thông Lào

Báo ANTĐ nhiều lần có đoàn công tác sang đất bạn Lào, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tặng quà, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân và thân nhân cán bộ chiến sĩ an ninh Lào, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm… Nhưng lần công tác ấy, là chuyến đi Lào đầu tiên của tôi vào dịp cuối năm, giữa lúc Hà Nội trời trở lạnh... 

Đến “Thành phố Trăng”

Từ trụ sở Báo An ninh Thủ đô, vượt hơn 400 cây số đầu tiên, chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) khi trời đã xế chiều. Mờ sáng hôm sau khi trời còn lạnh buốt, chúng tôi rời Cửa khẩu Cầu Treo,  hòa mình vào những cung đường lượn quanh núi đồi của đất nước Triệu Voi và điệu múa Lăm-vông níu lòng người.

Đất bạn Lào thanh vắng, êm ả và sạch sẽ. Do đã nhiều dịp công tác tại nước bạn Lào, 2 “hướng dẫn viên” là Thiếu tướng Phạm Chuyên và Đại tá Đào Lê Bình rất thông thuộc những cung đường này lần lượt giới thiệu những địa danh sẽ qua: Nakhe, Laksao, Pakading, Phonsavang, Thakokhen… - “Việt Nam Đông Trường Sơn “nắng đốt”, bên kia Lào Tây Trường Sơn “mưa quây”.

Anh em phóng viên trẻ chúng tôi cứ tai nghe mắt nhìn để cảm nhận hết sự kỳ vĩ của dòng Mekong  và bề dày lịch sử của đất nước Lào anh em giữa những cung đường lượn quanh núi đá cao vút, giữa những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát mắt. Tầng tầng núi, lớp lớp cây, đan xen một cách có trật tự, hiện lên trước mắt. Mỗi khi dừng xe tạm nghỉ, tôi tranh thủ nằm trên thảm cỏ xanh rì, dưới hàng tre mát rượi ngắm nhìn những ngôi nhà gỗ…   

Xe tiếp tục băng băng trên đường, 500 cây số tiếp theo của cuộc hành trình đã ở lại sau lưng. Thành phố Viêng-chăn (Vientiane) - Thủ đô của nước Lào đã hiển hiện trước mắt. Đây là Thủ đô của Lào từ năm 1560 dưới triều Vua Setthathirat. Thủ đô yên bình nằm thoai thoải ở tả ngạn sông Mekong.

Bên kia sông là tỉnh Nong Khai của Thái Lan. Tên gọi Viêng-chăn theo ngôn ngữ Phật giáo có nghĩa là “Khu rừng đàn hương của nhà Vua” - loại cây quý vì mùi hương của nó theo kinh điển Ấn Độ. Trong tiếng Lào, Viêng-chăn có nghĩa là “Thành phố Trăng”. 

Viêng-chăn ngày cuối năm có nắng hanh, cả một thành phố suộm ánh vàng của nắng. Cảm giác yên bình của miền đất này ùa đến với bất kỳ ai ngay giây phút đầu tiên khi tới đây. Cây xanh ngập tràn, thật khó để nhìn thấy một ngôi nhà cao tầng, đâu đâu cũng thấy thấp thoáng bóng chùa với lối kiến trúc đặc trưng mái cong, rực rỡ hai sắc đỏ - vàng.

Miền hoa trắng tháp vàng

Có một đặc điểm tại Viêng-chăn đó là mọi ngả đường đều tập trung vào Patouxay - nằm chính giữa đại lộ Lane Xang. Patouxay - “Đài chiến thắng” - trước đây là tượng đài chiến sỹ vô danh Anou Savary được xây dựng từ năm 1962-1968.

Tượng đài chiến thắng vinh danh những người con hiển hách xưa kia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập. Mặc dù có hơi hướng giống với Khải Hoàn Môn ở Thủ đô Paris của nước Pháp nhưng nó mang đặc trưng của người Lào với những hình trang trí Kinari nửa người, nửa chim.

Patouxay còn mang một thông điệp về một đất nước đã từng trải qua khó khăn, vất vả mới có được ngày hôm nay, và ước mong muôn dân sau này cố gắng phấn đấu dựng xây đất nước. Patouxay hùng vĩ mà bình yên, khi chiều tà, người dân Viêng-chăn lại đến nơi đây, dẹp bỏ mọi ưu phiền trong cuộc sống, để kiếm tìm sự thanh thản. Giữa vòm trần Patouxay, bên những người bạn Lào đôn hậu, tôi cũng ngước mặt lên cùng thả ưu phiền để Patouxay hấp thụ hết những ưu tư, mệt mỏi… 

Phía cuối con đường, chắn ngang là Pha That Luang óng vàng rực sáng như một cung điện trong chuyện cổ tích hiện lên trước mắt. That Luang là biểu tượng quốc gia của nước Lào, được xứng danh là một trong những ngôi chùa tháp đẹp nhất nước, minh chứng bằng hình ảnh That Luang được in trên quốc huy và tiền kip của Lào.

Vua Setthathirat cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại pháp vào năm 1566 trên nền phế tích một ngôi đền Khmer thế kỷ XIII. Tháp chính uy nghiêm cao 45m, bao quanh là các tháp phụ lộng lẫy điểm xuyết. Điểm đặc biệt với bất kỳ ai đến đây đó là sự sạch sẽ, trật tự đến thoáng đạt.

Vẫn có đó những dãy hàng bán đồ lưu niệm, ăn vặt nhưng tuyệt nhiên không một lời mời chào mua đồ, không một bong dáng người ăn xin nào. Từ That Luang trở về đại lộ trung tâm, chúng tôi tới thăm ngôi chùa thiêng Wat Si Muang nằm giữa 2 con đường Setthathilath - Samsenthai.

Đại tá Đào Lê Bình kể: “Wat Si Muang là ngôi chùa Mẹ ở Viêng-chăn, ngôi chùa này đặc biệt có lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cầu may theo phong tục Lào”. Không thể bỏ qua lời giới thiệu đó, chúng tôi đến ngồi bên một nhà sư, ông ngồi lặng lẽ, trầm uy, lễ và lần lượt buộc chỉ tay và niệm phúc cho mọi người! 

Và ai đã từng một lần đặt chân đến Viêng-chăn không thể quên ghé thăm Chợ Sáng. Dạo quanh một vòng chợ, nhiều lúc cứ ngớ người ra vì gặp đồng hương, rồi chuyện trò, thăm hỏi lẫn nhau. Đi Chợ Sáng sướng nhất cái khoản xem thoải mái, mặc cả mệt nghỉ, không mua thì thôi chẳng kì kèo, bực dọc; chụp ảnh kỷ niệm thì bà con cứ cười tươi, tôi cảm ơn rồi đi ra. Rời Chợ Sáng, theo gợi ý của “hướng dẫn viên” Đào Lê Bình, lẽ nào chúng tôi lại bỏ qua sức hấp dẫn Cửa khẩu Lào - Thái.

Hơn 30 phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu. Bên này Viêng-chăn nằm thoai thoải bên dòng Mekong, bên kia bờ là tỉnh Nong Khai, Thái Lan. Kể về cây cầu hữu nghị Thái-Lào (Thai Saphan Mittraphap Thai-Lao).

Đại tá Đào Lê Bình nói với phóng viên trẻ chúng tôi: “Tại khúc sông này, năm 1994, Chính phủ Australia đã tài trợ xây chiếc cầu này nối đôi bờ với nhịp cầu lên đến 1.170m, có 2 làn xe rộng 3,5m cho xe cơ giới, 2 làn rộng 1,5m cho khách bộ hành và một đường sắt đơn ở giữa”. 

Trở về trung tâm Viêng-chăn khi thành phố đã lên đèn, không khí se lạnh ở đây như Hà Nội, những người bạn Lào chân thành, ấm áp, khiến tôi không có cảm giác nhớ nhà.

Đoàn công tác do Báo ANTĐ tổ chức tặng quà và khám chữa bệnh miễn phí cho thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Công an Lào, năm 2010

Tự giác và thanh bình

Tiếp câu chuyện dang dở, tôi vẫn nhớ câu nói của Thiếu tướng Phạm Chuyên: “Ai đến Lào cũng không khỏi ngỡ ngàng trước ý thức chấp hành kỷ luật giao thông. Bất kể thời gian nào, mặc ban ngày hay đêm khuya, dù có hay không có sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát giao thông, người dân Lào vẫn ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông một cách tuyệt đối”.

Tôi kiểm nghiệm lại điều Thiếu tướng nói ở Viêng-chăn và thấy đúng. Thậm chí, kể cả khi rẽ vào bất kỳ con đường nhỏ chia nhánh nào, bạn cũng thấy hình ảnh xe cộ đi lại từ từ, thong thả, trong sự tự giác và hệ thống còi xe ở đây người dân rất ít khi sử dụng. Tuy nhiên, điểm khác và cũng là điểm nhấn của Viêng-chăn với Thủ đô các quốc gia khác trên thế giới có lẽ là không có hệ thống xe taxi.

Thay vào đó là Tuk-Tuk - một loại xe giống xe Lam được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trước kia. Người dân Lào di chuyển chính bằng ôtô, những chiếc xe ôtô bán tải nhiều nhà cũng có. Sự tiện lợi của những chiếc xe này được người dân Lào khai khác triệt để. Càng ngắm nhìn Viêng-chăn càng thấy có nhiều con đường cây xanh mọc thẳng tắp , nép sát vỉa hè là những chiếc Tuk-Tuk âm thầm đợi khách. 

Đến Viêng-chăn, không ít lần tôi thắc mắc khi bắt gặp những chiếc xe máy đậu chơ vơ trên vỉa hè, trên xe có đủ cả chìa khóa, mũ bảo hiểm. Hỏi “hướng dẫn viên” Đào Lê Bình thì được ông trả lời: “Chuyện đó thật 100%. Ở Viêng-chăn, nếu đi xe máy, vào bất cứ cửa hiệu, hàng quán nào, cứ yên tâm để xe bên ngoài với tất cả đồ đạc, chẳng may quên chưa rút chìa khóa xe thì cũng khỏi lo mất”.

Đúng là chuyện chỉ có ở… Lào! Nhân câu chuyện trên, tôi xin đúc kết về tính cách của người dân Lào chỉ vỏn vẹn hai chữ “hiền lành”. Họ sống chậm, các cửa hàng buôn bán kinh doanh mở cửa muộn và đóng cửa sớm. Sự hiền lành và chầm chậm này mang đến nét tự tại, thanh thản trên khuôn mặt người dân. Đường phố luôn thanh bình, giao thông trật tự, người người đối xử với nhau trên dưới lễ phép, người già, phụ nữ và trẻ em được tôn trọng tuyệt đối. 

 Có lẽ thật thiếu sót nếu đến một miền đất mới mà không thưởng thức văn hóa ẩm thực. Người Lào ở Viêng-chăn gần như rất ít ăn nhậu trên vỉa hè ngoài phố. Nếu không vào quán, phần lớn họ mua đồ ăn mang về nhà, từ một ly nước sinh tố đến những thức ăn mặn. Ăn uống ở Viêng-chăn rất thuận tiện.

Các món ăn được bày ra trước mắt, trong nhà hàng lẫn ngoài sạp trên vỉa hè. Không cần biết tiếng Lào vẫn có thể gọi món. Thích gì chỉ đó, khẩu vị gần giống Việt Nam với giá cả không hề đắt. Đồ nướng ở Lào đặc biệt ngon.

Khi chiều buông bóng, để tìm kiếm sự yên bình, rất đông người dân Lào sẽ rủ nhau đến bên bờ Mekong, vào một quán ăn bên triền sông. Một xiên cá nướng, chiếc đùi gà phết mật ong ăn kèm với giỏ xôi trắng nếp nương dẻo thơm, thêm trái dừa nướng, ngắm mặt trời lặn trên sông hiền hòa thì còn gì bằng…

Đến đâu cũng thấy ấm áp, chân thành

Dòng Mekong đục màu phù sa chạy dài ôm lấy Viêng-chăn, lặng lẽ bao quanh những ngôi chùa cổ kính nằm trên phố Fa Ngum. Khi đêm xuống, đây là khu vực nhộn nhịp với ánh đèn lung linh, huyền ảo hắt ra từ hàng trăm cửa hiệu, hàng quán bên khu phố Tây. Ai đến đây sẽ kém duyên khi xuôi dòng Mekong mà không được thưởng thức bia Lào với hương vị tuyệt ngon!

Bia còn ngon hơn khi xa nhà, mà chúng tôi vẫn thấy thực sự gần gũi: “5 chai bia giá 50.000 kíp. Đến từ đâu vậy? Việt Nam hả? Mời 2 chai nữa, miễn phí”... - chị Bu Thong, người Lào nói được tiếng Việt, chủ một quán bia nhỏ trên phố Fa Ngum mừng vui khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam. 

Một lần đi lạc đường ở Viêng-chăn, tôi tìm sự giúp đỡ từ cảnh sát giao thông. Đồng chí cảnh sát Lào lắc đầu không hiểu tiếng Anh và tiếng Việt, còn tôi lại không biết tiếng Lào. Như chợt nhớ ra, đồng chí cảnh sát vỗ vai tôi, rồi vội bước sang đường, quay về cùng một người đàn ông lái xe Tuk-Tuk thạo tiếng Việt. Người đàn ông nói: “Tằm lượt” (công an) hỏi anh là ai? Muốn đi đâu? “Tằm lượt” muốn tôi chở anh đến nơi anh cần đến”. Tôi gật đầu và cảm ơn cả hai đã giúp đỡ mình. 

Viêng-chăn quyến rũ bởi nét trầm mặc, sự hiền hòa, thân thiện và dễ mến. Sự ân cần, nhiệt tình và hiếu khách của người dân bản địa đã khắc 2 chữ “tuyệt vời” lên bất kỳ ai lần đầu đến Lào. Ngày nói lời tạm biệt miền đất này sắp đến. Tôi có một thói quen, tại mỗi miền đất có dịp qua thường tìm mua một vài tấm postcard để làm kỷ niệm.

Thủ đô Viêng-chăn cũng vậy! 2.000 Kíp cho 1 tấm postcard, để lưu lại những hình ảnh đẹp trên đất bạn Lào. Sau khi biết tôi là người Việt Nam, chị Xom Nu, chủ một cửa hiệu bán postcard trên quận Chanthavouly, làng Sieng Ngeun, đã đan hai bàn tay của chị lại với nhau thật khít và nói bằng tiếng Anh: “Việt Nam - Lào là anh em!”. Tôi đáp lại với chị: “Khặp chay lai lai!” (Cảm ơn rất nhiều!).

Tôi có một lời hứa sẽ quay lại nơi đây, miền đất đã từng là chốn xa lạ nhưng thanh bần, nhất định là thế. Tôi muốn nói lời “Sa bai dee” (xin chào) thêm lần nữa, để đong đầy thêm những kỷ niệm. Nếu có lần ấy, tôi sẽ  mượn một chiếc xe đạp, đi đủ một vòng để ngắm nhìn toàn cảnh “Thành phố Trăng”, và đáp lại nụ cười hiền hòa, rạng rỡ của những thiếu nữ Lào nơi đây.

Rồi khi chiều buông, quên sao được quán của chị Thong bên dòng Mekong mát rượi, ngồi uống bia ngắm thành phố lên đèn. Đi đến đâu trên xứ sở Triệu Voi cũng thấy những ấm áp, chân thành trong vòng tay khít chặt của dòng Mekong mênh mang.