Trong thế mong manh

ANTĐ - Tiếp theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo kinh tế thế giới vẫn còn “rất mong manh” trong năm 2013.

Eurozone tiếp tục là khu vực gây thất vọng nhiều nhất

Hôm 15-1, WB đã điều chỉnh, giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3% xuống 2,4%. Mức dự báo mới này chỉ cao hơn 0,1 điểm % so với tốc độ tăng trưởng 2012. Giải thích cho quyết định này, WB cho rằng dù tình hình trên các thị trường tài chính đã được cải thiện nhưng những nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. 

Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế thế giới mà WB đưa ra, có thể nói nó đang bị phủ kín bởi những gam màu xám. Từ trước tới nay, các nước đang phát triển luôn được kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên năm ngoái, các quốc gia khu vực này có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ. Năm nay, tình trạng trên không được cải thiện nhiều và WB dự báo tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển chỉ đạt 5,5%, thấp hơn mức 5,9% được đưa ra hồi tháng 6-2012.

Đối với các quốc gia phát triển, WB cho rằng triển vọng của khu vực này vẫn còn yếu sau khi chỉ đạt mức tăng 1,3% trong năm 2012. Đây cũng là con số được dự báo cho năm nay do hoạt động cắt giảm chi tiêu công, tỷ lệ thất nghiệp cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều ở mức yếu. Theo WB, phải đến năm 2014 các nền kinh tế phát triển mới đạt tốc độ tăng trưởng 2% trước khi lên 2,3% trong năm 2015. 

Trong số các cường quốc, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2,0% năm 2013, so với dự báo công bố hồi tháng 5-2012 lần lượt là 2,4% và 2,6%. Đối với Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng ở mức 1,6% trong năm nay và 0,7 trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 2,0% và 1,5%.

Có lẽ gây thất vọng nhất là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB cho rằng nợ công châu Âu là vấn đề dài hạn và sẽ đè nặng lên kinh tế thế giới trong nhiều năm nữa. Theo đó, nhu cầu suy giảm ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu tại các quốc gia đang phát triển. Biến động thị trường ở châu Âu cũng làm hoạt động thương mại co lại, đe dọa đến các quốc gia mới nổi phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. 

Nếu muốn phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua để lấy lại đà tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thực hiện chính sách cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” và tăng trưởng. Đây là bài toán vô cùng khó khăn bởi nếu không “thắt lưng buộc bụng” thì sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ như nhiều nước châu Âu. Nhưng “thắt lưng buộc bụng” quá mức thì lại làm giảm chi tiêu xã hội, kìm hãm sản xuất và dịch vụ phát triển.

Hiện tại, các ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia đã quyết định đưa ra các chính sách tài chính mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong thế “mong manh” của nền kinh tế thế giới, các hành động tập thể như vậy đang được đánh giá là mang tính quyết định vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Đây là tiền đề quan trọng để đưa kinh tế toàn cầu trở lại đà tăng trưởng bền vững và cân bằng.