Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc!

ANTĐ -Lo ngại mua phải ra bẩn, độc hại ở chợ hay siêu thị, nhiều người dân Hà Nội tìm cách trồng rau ở dải phân cách hay ven đường. Loại rau này có khi còn độc hơn được phun hóa chất độc!

Tình trạng sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng tràn lan trong trồng rau, quả, khiến các bà nội trợ lo ngại, không biết kiếm đâu ra rau quả sạch phục vụ gia đình. Sợ rau “bẩn”, độc hại, nhiều gia đình ở Hà Nội tự ý “khai hoang” trên vỉa hè, dải phân cách gần nhà mình ở, và coi đó là lối thoát cho việc đảm bảo nguồn rau sạch. Họ lý giải, việc làm này vừa tiết kiệm thời gian công sức đi lại, vừa chắc chắn là rau tự trồng không phun hóa chất độc hại, đồng thời giúp giảm một khoản chi phí đáng kể hàng ngày...

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 1

Dải phân cách trên đoạn đường thuộc phố Yên Lãng có nhiều luống rau

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 2

Người dân "khai hoang" trồng rau trên dải phân cách giữa đường phố Hà Nội

Vì thế, tình trạng người dân Hà Nội tận dụng khoảng trống trên vỉa hè, dải phân cách đường phố, để trồng “rau sạch”, xuất hiện ở nhiều nơi. Dọc theo con phố Yên Lãng, quận Đống Đa, Hà Nội, những khoảng đất trống dưới gầm cầu trên cao, nay được bà con tận dụng triệt để cho việc trồng rau.

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 3

Những luống rau mọc lên ngay giữa đường Yên Lãng 

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 4

Một người phụ nữ đang lấy đất để trồng rau ngay trên dải phân cách

Bà M, người phụ nữ sinh sống tại phố Yên Lãng (xin giấu tên) cho biết: "Cô đã trồng rau trên đường này đã lâu rồi. Bao giờ người ta đòi thì mình lại trả, đất để không phí lắm. Nhà nào có nhu cầu thì "chiếm" lấy một khoảnh đất mà trồng rau thôi. Ở đây có thể trồng được rau sạch đủ loại, đỡ tiền mua lắm. Vài tuần nứa cháu mà đến sẽ thấy rau cải nhà cô lên tốt lắm rồi".

Trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long, rau “sạch” được người dân tự phát trồng khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Hà người ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chia sẻ rằng: “Đất này có ai giữ, trông coi đâu mà phải lo. Trồng rau trên đây vừa sạch, gần nha, lại đỡ tốn tiền mua rau ngoài chợ".

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 5

Ven Đại lộ Thăng Long, nhiều loại rau được người dân trồng để "tự cung tự cấp"

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 6

Rau "sạch" được trồng trên lề đường

Nhìn sơ qua, có thể thấy rau khá non xanh, nhưng sự thực là nguy cơ độc hại từ những loại rau tưởng là sạch này là rất lớn. Bởi theo thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí thải ra không khí là trung bình trong một mét khối không khí ở Hà Nội có tới 80 µg (mi-crô gram) bụi khí PM10. Một nguồn gây ô nhiễm trầm trọng là khí thải từ các phương tiện giao thông, trong đó 200.000 ô-tô và 1,9 triệu xe máy đã trở thành nguồn chủ yếu sinh ra ô-xít ni-tơ, khí CmHn, SO2 và bụi. Lượng khí thải này một phần tác động trực tiếp vào các loại rau trồng ven đường, trên dải phân cách, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mặt khác, kim loại nặng (thủy ngân, chì, asen, đồng, kẽm, thiếc…), là những chất độc thường chứa trong nước thải, khói thải của các khu công nghiệp, động cơ máy hoặc có sẵn trong đất từ trước, hoặc từ phân rác. Vì thế, rau dễ bị ô nhiễm kim loại nặng khi được trồng quá gần các nhà máy công nghiệp, nút giao thông trọng điểm, dùng nước tưới từ kênh mương có nước thải từ các khu công nghiệp, bón phân rác, hay trồng trên đất có chứa các kim loại nặng độc hại. Các kim loại nặng nếu xâm nhiễm vào cơ thể con người với lượng vượt mức cho phép sẽ tích lũy trong cơ thể, gây bệnh cho con người.

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 7

Rau được trồng ở dải phân cách, ven đường không tránh khỏi việc tiếp xúc với bụi bẩn và khói xe cộ

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 8

Bụi bẩn bám vào lá rau cải

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Việt Nam, cho biết: Nguồn rau, củ, quả có an toàn hay không phụ thuộc vào quy trình trồng trọt của chính người sản xuất. Ví dụ, địa điểm gieo trồng có phù hợp không? có sử dụng hóa chất phân bón, các chất bảo quản được phép sử dụng hay không? Sử dụng có đúng quy trình hay không? Nếu đáp ứng được những yêu cầu theo quy định thì thực phẩm đó sẽ an toàn. Như vậy, việc đảm bảo an toàn cho thực phẩm còn đòi hỏi cả kiến thức của người sản xuất.

Từ ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, có thể thấy, quy trình, môi trường tại các các dải phân cách, ven đường, nơi khói bụi độc hại rất nhiều, không thể là nơi cho ra các loại rau sạch, an toàn như nhiều người lầm tưởng.

Trồng rau trên dải phân cách, ven đường: Tưởng "sạch" hóa nhiễm đầy chất độc! ảnh 9

Việc trồng rau kiểu này có thể tiện, có thể lợi, nhưng không an toàn

Theo các chuyên gia, việc hàng ngày ăn phải rau, quả, thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn là mầm mống gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, ngộ độc thần kinh, rối loạn chức năng thận… Nếu ăn phải rau nhiễm kim loại nặng như kẽm, sẽ dẫn đến tích tụ kẽm trong gan, có thể gây ngộ độc hệ thần kinh, ung thư đột biến và hàng loạt chứng bệnh nguy hiểm khác.