Trong cơn phẫn uất, người đàn bà bất hạnh xuống tay đoạt mạng con trai

ANTD.VN - Đưa bát cơm lên miệng, Thược thấy cổ họng nghẹn bứ. Bất giác, người đàn bà này nói trong vô thức: “Con sang gọi bác Khoa đi, mẹ đánh chết em Chiến rồi”…

Đó là câu chuyện rất đau lòng đã đổ ập xuống đầu Chử Thị Thược (SN 1969, trú ở xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) khi được đề cập tại phiên tòa ngày 31-7. Tại tòa, Thược bị truy tố về tội “Giết người”, còn bị hại trong vụ án lại chính là đứa con trai mà người đàn bà này dứt ruột đẻ ra.

Diễn biến phiên tòa cho thấy, Thược không có chồng nhưng đầu năm 2001 vẫn sinh hạ được một cặp song sinh một trai và một gái. Mừng vui khôn siết, Thược lần lượt đặt tên các con là Chử Thị Chinh và Chử Văn Chiến.

Một nách nuôi hai con nhỏ, trong khi cuộc sống vô cùng cơ cực nhưng Thược vẫn gắng gượng nuôi chúng ăn học. Nhưng sự đời luôn thật trớ trêu, bởi trong khi Chinh là một đứa con rất đỗi hiếu thảo và ngoan ngoãn thì Chiến lại sớm bộc lộ là một đứa trẻ ngỗ ngược.

Chử Thị Thược tại phiên tòa xét xử tội giết hại đứa con trai 

Trước tòa, người đàn bà bị truy tố về tội “Giết người” kể lể, ngay từ hồi học lớp 4, Chiến đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng khi liên tục trộm cắp tiền của mẹ để chơi điện tử xèng. Thậm chí Chiến còn học đòi người lớn tập hút thuốc lá, thuốc lào.

Thế rồi càng lớn thì thói hư tật xấu của Chiến càng bộc lộ rõ ràng hơn. Năm lớp 7, cậu ta chính thức bỏ học, rồi liên tục “dạt nhà”. Những lúc hết tiền và đói ăn Chiến lại mò về lấy cắp tiền hoặc tài sản của mẹ mang bán.

Khi không còn gì để lấy, cậu ta quay sang trộm cắp vặt của tất cả các gia đình xung quanh. Sang nhà hàng xóm chơi, Chiến còn lấy cắp cả những đồng tiền lẻ để trên bàn thờ. Mọi người dần cảnh giác, không có tiền ăn tiêu, Chiến quay ra bắt mẹ phải chu cấp.

Không đạt được mục đích, đêm đến, nam thiếu này liền lấy xoong nồi ra gõ inh ỏi khiến mẹ mất ngủ để phải chiều theo ý mình. Cuộc sống với nghịch tử bất trị của Thược cứ thế âm ỉ theo thời gian cho đến ngày 1-7-2016 thì xảy ra bi kịch.

Đêm ấy, Chiến lại mò về nhà sau ít ngày “đi hoang”. Sáng ra tỉnh dậy, Thược phát hiện bị mất 2 triệu đồng. Truy vấn con trai nhưng cậu ta nhất quyết nói không lấy tiền của mẹ. Xung đột dâng cao, nam thiếu niên còn quắc mồm lên xưng “mày - tao” với đấng sinh thành.

Khoảng 7h cùng ngày, trong khi cô con gái sang nhà người bác chơi thì Thược vẫn một mình gặp nhấm nỗi uất ức, tủi hờn. Bất giác, người đàn bà này đi sang khu nhà đang xây dựng của anh trai lấy khúc gỗ.

Quay lại giường con trai ngủ, Thược thẳng tay đập thẳng vào đầu Chiến... Xác định con trai đã chết, Thược kéo chăn trùm kín, rồi đi ra đồng. Trưa cùng ngày, khi hai mẹ con dọn mâm cơm ra ăn, Thược vào giường vờ gọi Chiến dậy, rồi trở ra ngồi ăn cùng con gái.

Vậy nhưng khi người đàn bà này vừa đưa bát cơm lên miệng thì thấy cổ họng bỗng nhiên nghẹn bứ. Bất giác, Thược dằn bát cơm xuống mâm và nói với con gái trong vô thức: “Con sang gọi bác Khoa đi, mẹ đánh chết em Chiến rồi”.

Trước tòa, thuật lại hành vi sát hại con trai, Thược trình bày nhát gừng và với nhiều câu hỏi tòa đưa ra, người đàn bà này chỉ cúi đầu im lặng. Bị tòa chất vấn, sở dĩ cháu Chiến hư hỏng là do bị cáo không biết dạy bảo, bị cáo thấy có đúng không? Đáp lời Thược lí nhí: “Thưa tòa, đúng ạ”!

Có mặt tại phiên tòa xử tội mẹ, cháu Chử Thị Chinh, ông Chử Văn Khoa (anh trai Thược) và cả người chị gái Thược với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại cũng đều xác nhận rằng, ngày Chiếc còn sống cậu ta quả là một đứa con ngỗ ngược và luôn làm khổ đấng sinh thành.

Phần tranh luận kết thúc, Thược được nói lời sau cùng với sự khẩn khoản xin nhẹ án và tỏ rõ sự ân hận muộn màng. Ở phía bên kia, đại diện hợp pháp của bị hại cũng nghẹn ngào mong tòa xử bị cáo nhẹ nhất, đồng thời không có yêu cầu bồi thường gì.

Giờ nghị án trôi qua, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội trở lại hội trường và quyết định tuyên phạt Chử Thị Thược 15 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Được giáp mặt đứa con gái còn lại sau nhiều ngày xa cách, Thược ngoái đầu căn dặn: “Ở nhà con cố gắng học hành và nghe lời các bác nhé”, rồi lặng lẽ đi về phía chiếc xe “đặc chủng” chuyên chở phạm nhân.