Trong ba lô có một ngăn trách nhiệm

ANTD.VN - Chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi chuyến đi, không chỉ là ý thức với bản thân mà còn là ý thức trách nhiệm với xã hội. Chữ “chuẩn bị” ở đây, bao hàm cả nghĩa về nhận thức và hành vi. 

Khoảng 15 năm trước, học sinh cấp 3 Hà Nội có một phong trào khá kỳ lạ: Cứ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 là leo lên xe máy, chạy xuống Hải Phòng chơi. Các nam thanh niên mới lớn sẽ chứng minh được “đẳng cấp” qua việc có người yêu, có xe và chở người yêu phóng xe điên cuồng hơn trăm cây số. Đó là những cuộc đua đường trường trên Quốc lộ 5, những chiếc xe máy lạng lách vượt qua các xe tải, xe container, xe khách, cách mà người ta gọi là “chạy lấy chết”.

Thực tế đã xảy ra như thế, không năm nào không có học sinh bỏ mạng trong cuộc đua ấy. Hàng xóm của tôi, thằng con trai duy nhất của một ông bố thương binh và một bà mẹ tàn tật, đã không bao giờ trở về sau khi trốn nhà chạy đua xuống Hải Phòng cùng bạn bè vào một dịp nghỉ lễ. Thời ấy chưa có từ “phượt”, chúng tôi gọi đó đơn giản là “đua Hải Phòng”.

Phong trào đi “phượt” ra đời cách đây chừng chục năm và trở nên cực thịnh vào những năm gần đây. Tất nhiên là không chỉ đua xe điên cuồng xuống Hải Phòng. Các bạn trẻ (và cả một số ít không còn trẻ), chất đồ lên xe máy, mang theo máy ảnh, rong ruổi Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, hoặc gần hơn như Ba Vì, Tam Đảo.

Họ chia sẻ với nhau không chỉ những bức ảnh đẹp, mà cả những cung đường mới, những địa điểm thú vị, các kinh nghiệm khi đi đường trường. Dần dà, khi số lượng “phượt thủ” tăng cao, đã hình thành nên các nhóm, các diễn đàn hoạt động sôi nổi trên internet và mạng xã hội.

Đi đó đây, mở rộng tầm mắt, tích lũy kinh nghiệm sống hoặc chỉ đơn giản là thư giãn, đó là sở thích ý nghĩa, không có lý do gì để phản đối (có chăng là những ông bố bà mẹ không thấy thích thú gì việc cứ phải ngồi nhà lo ngay ngáy cho “cục vàng cục bạc” của mình đang phờ phạc hít bụi đường ở một nơi mà có khi đến cái tên cũng chưa có trên bản đồ).

Nhưng, dù có mạnh mẽ và khoáng đạt đến đâu, thì những thanh niên ấy cơ bản cũng vẫn là các cô chiêu cậu ấm. Kinh nghiệm sống ít ỏi, khả năng ứng biến và thích nghi hoàn cảnh cơ bản là thấp, khiến họ trở thành những du khách không mấy tiềm năng mà ngành du lịch không hào hứng đón tiếp. 

Có một tư duy khá phổ biến và kỳ quặc của các “phượt thủ”, đó là đã đi “phượt” thì phải bụi bặm, tiết kiệm tối đa (đến mức nhiều khi là thiếu thốn), ăn bờ ngủ bụi, càng dân dã (đến mức hoang dã) càng tốt, càng khó khăn (đến mức nguy hiểm) càng chứng tỏ bản lĩnh. Vậy là, khẩu hiệu “xách ba lô lên và đi”, được hiểu theo đúng nghĩa đen: Muốn đi là đi, chả cần chuẩn bị gì, có cái ba lô là được.

Trong mỗi chuyến đi, mỗi “phượt thủ” phải luôn ý thức với bản thân và có trách nhiệm với xã hội 

Thực ra thì đúng là với tuổi trẻ, sự quyết đoán và sức trẻ quả là những lợi thế. Năm 1951, Che Guevara từng thực hiện chuyến hành trình xuyên Nam Mỹ trên xe máy trong suốt 1 năm trời. Chuyến “phượt” kỷ lục này được bắt đầu chỉ với một buổi chiều Che cùng người bạn thân là Alberto nằm gối tay ngắm trời ngắm đất và… nổi hứng phiêu lưu.

Họ lên đường với một chút tiền, hành lý nông nổi đến mức sau đó phải vứt đi quá nửa, trong khi vẫn thiếu nhiều thứ cơ bản. Và cuốn nhật ký hành trình (sau này được in ra thành sách nổi tiếng toàn thế giới - “Motocycle Diaries”) tràn ngập những trang kể về các đận đói, rét, đau ốm, bị thương, phải kiếm ăn bằng những cách tệ hại. 

Đó hiển nhiên không thể xem là cẩm nang gối đầu giường cho các “phượt thủ” thời nay. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi chuyến đi, không chỉ là ý thức với bản thân mà còn là ý thức trách nhiệm với xã hội. Chữ “chuẩn bị” ở đây, bao hàm cả nghĩa về nhận thức và hành vi. Mới đây, những bức ảnh các “phượt thủ” đi Tam Đảo vừa xả hàng đống rác, vừa phá nát một vườn su su của người dân, đã được nhiều người giận dữ chia sẻ và lên án.

Nhưng thực ra đó không phải là dẫn chứng cá biệt, ở hầu hết các nơi có dấu chân “phượt thủ”, tình cảnh đó vẫn thường diễn ra. Bản thân người viết đã từng có trải nghiệm rùng rợn, khi vừa định nhảy xuống tắm ở dòng suối tít trên bản Tả Van - Lào Cai, thì nhìn thấy một vỏ chai rượu bị đập vỡ nát, mảnh chai rải ra khắp các hòn đá xung quanh bờ suối.

Thậm chí, hiện giờ đã xuất hiện một từ lóng mới: “phịch thủ”, ra đời sau khi một “phượt thủ” bị tố cáo đã gạ tình hàng loạt thiếu nữ trẻ, chỉ với một bài duy nhất: Rủ đi “phượt” Tam Đảo. Những thiếu nữ trẻ nổi giận chửi rủa, các “phượt thủ” cũng tức giận khi cho rằng anh chàng kia đã làm xấu mặt giới “phượt” nói chung lẫn giới “xế” nói riêng.

Trong đêm, cả trăm “phượt thủ” đã phóng xe lên Tam Đảo để tìm “phịch thủ” này nói chuyện cho ra nhẽ. Lẽ dĩ nhiên, “phịch thủ” lặn mất tăm. Chuyện nguôi đi, người ta mới nhận ra rằng, thực ra thì chuyện chẳng có lý do gì mà ầm ĩ đến thế, bởi vì chính các cô nàng nhẹ dạ đã… tình nguyện, chứ nào có ai ép uổng gì đâu? Tự nhiên leo lên xe một người xa lạ, vượt trăm cây số lên đỉnh núi mù sương, hẳn nhiên là các cô cũng dự đoán được điều gì sẽ xảy ra để mà đồng ý hay là từ chối chứ!

Hà Nội có lợi thế là trung tâm đồng bằng, từ đây tỏa ra 4 phương 8 hướng, với một khoảng cách không quá xa, đều là những địa danh du lịch hấp dẫn. Núi đồi, thảo nguyên, sương sớm mây chiều, tất thảy đều có sức hút mãnh liệt với các thanh niên cớm nắng cận thị suốt ngày gò bó trong các khối bê tông không nhìn thấy chân trời.

Nhưng trong chiếc ba lô gọn nhẹ mà bạn xách lên, có lẽ nên có một ngăn, dù nhỏ thôi, dành cho trách nhiệm. Bởi vì, ngay cả trong một chuyến đi đơn độc nhất, thì vẫn luôn đòi hỏi trách nhiệm với cộng đồng. 

Christopher McCandless (với cuốn nhật trình sau này được in thành sách - “In to the wild”), đã viết dòng cuối cùng của đời mình, trước khi chết đói bên rìa Alaska rằng: Hạnh phúc chỉ thực sự có khi ta chia sẻ.

Tác giả Phạm Gia Hiền

Tin đọc nhiều