Trốn thuế thông qua cổng thanh toán quốc tế, bitcoin: Cơ quan Thuế nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến việc các cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng nhận tiền qua các cổng thanh toán quốc tế hoặc bitcoin để trốn thuế, cơ quan thuế cho biết, sẽ phối hợp với các ngân hàng để xem xét xem các hình thức thanh toán này có được phép không.

Xem xét tính hợp pháp của các hình thức thanh toán mới

Thời gian gần đây, việc cơ quan quản lý thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại kiểm soát dòng tiền thu nhập từ các hoạt động thương mại điện tử đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức lách luật bằng cách chuyển sang các phương thức thanh toán không thông qua tài khoản ngân hàng như thanh toán bằng bitcoin hoặc thông qua các cổng thanh toán quốc tế.

Có thể kể đến một số cổng thanh toán được ưa thích sử dụng tại Việt Nam như: Paypal, Payoneer... Đây là những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến lớn cho phép chuyển và nhận tiền xuyên quốc gia.

Theo đó, khi nhận ngoại tệ được trả thông qua các tài khoản trên cổng thanh toán quốc tế hoặc trả bằng bitcoin, những cá nhân có thu nhập này sẽ thực hiện bán lại cho những người có nhu cầu chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài (chẳng hạn chuyển tiền cho con cái đi du học)… sau đó nhận tiền mặt tại Việt Nam.

Bằng phương thức mua lại tiền bằng bitcoin hoặc từ các cổng thanh toán quốc tế, các đối tượng có nhu cầu chuyển tiền qua nước ngoài sẽ dễ dàng chuyển được lượng tiền lớn mà không phải khai báo hải quan. Trong khi đó, những người có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử sẽ không bị cơ quan thuế truy ra luồng tiền, nhờ đó sẽ trốn được thuế.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thừa nhận hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vẫn là một lĩnh vực rất mới và mang nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý thuế.

Về cơ bản chúng ta đã có hành lang pháp lý và các giải pháp công nghệ để quản lý được hoạt động này.

Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vẫn là thách thức của cơ quan thuế

Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vẫn là thách thức của cơ quan thuế

Tuy nhiên, đối với các hình thức thanh toán khác như bitcoin hay qua cổng thanh toán quốc tế, ông Minh cho rằng đây là những trường hợp hãn hữu nhằm trốn thuế.

“Đối với những trường hợp này thì trước hết chúng ta phải xem hình thức thanh toán đó có được phép không. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngân hàng để xem xét vấn đề này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của công dân và doanh nghiệp, không ai có thể né tránh mãi. Chỉ trừ những trường hợp làm ăn chụp giật, còn khi người ta muốn làm ăn chân chính, lâu dài thì phải tuân thủ pháp luật” – ông Minh nói.

Sẽ làm việc với Facebook, Google, YouTube…

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong năm 2020, báo cáo từ các chi cục Thuế tại Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận sự phát triển mạnh của mô hình kinh doanh trực tuyến, mua bán online với quy mô lớn hơn nhiều so với mua bán truyền thống.

Do đó, để chuẩn bị cho những thay đổi này, từ đầu 2020, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo trong toàn ngành thuế.

Theo đó, trước hết về thể chế, Tổng cục Thuế đã đưa ra các quy định mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là giao dịch xuyên biên giới.

“Các quy định này được đưa vào Luật Quản lý thuế số 38, đã được hướng dẫn trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP và tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn về trách nhiệm các bên liên quan cụ thể, kể cả trung gian thanh toán, hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, bộ ngành liên quan…”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thuế cũng đã chuẩn bị cả về nguồn lực để theo dõi, khảo sát các hệ thống kinh doanh online, cá nhân, doanh nghiệp có phát sinh doanh thu từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài… Từ đó đề xuất phương án phối hợp với quản lý thị trường, trung gian thanh toán để báo cáo cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp quản lý.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng nước ngoài như Facebook, Google, YouTube…, hiện Tổng cục Thuế đã có kế hoạch quản lý. Trong đó khi xây dựng các thông tư hướng dẫn, cơ quan thuế có kế hoạch mời các đơn vị này tới trao đổi thông tin trên nguyên tắc đầu tiên là tuân thủ quy định, chính sách về quản lý thuế của Việt Nam .

Theo thống kê của cơ quan thuế, số thu thuế phát sinh từ các cá nhân có doanh thu từ Google, Facebook, YouTube… trong 2 năm 2019-2020 đã đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

“Đây là số thu đối với riêng cá nhân có phát sinh doanh thu từ Google, Facebook… và được xác định thông qua phần doanh thu mà doanh nghiệp trả cho cá nhân qua hoạt động quảng cáo. Có trường hợp là cá nhân tự kê khai, có trường hợp là cơ quan thuế yêu cầu cung cấp”, ông Minh nhấn mạnh.

"Hiện tại thông qua những số liệu từ cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chúng tôi tiếp tục làm việc với cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thanh toán từ Google, Facebook.

Chúng tôi có quyền yêu cầu các doanh nghiệp khi đã đăng kí nộp thuế ở Việt Nam thì phải trao đổi thông tin cho cơ quan thuế và có thể sẽ có cơ chế cho việc thực hiện khấu trừ trước khi trả cho người dân, doanh nghiệp” - ông Minh chia sẻ.