Tròn 1 tháng mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội: Du khách thích thú

ANTĐ - Tròn 1 tháng mở cửa miễn phí và đón khách tham quan, tính đến thời điểm này, Bảo tàng Công an Hà Nội (số 67 phố Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã thực sự trở thành địa chỉ văn hóa thu hút du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Đây cũng là một mắt xích quan trọng nối các địa chỉ văn hóa - lịch sử - du lịch trên tuyến phố Lý Thường Kiệt bao gồm: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Khu di tích nhà tù Hỏa Lò - Bảo tàng Công an Hà Nội.

* Đón hơn 5.500 lượt khách tới tham quan, thưởng lãm ngay trong tháng đầu

Tròn 1 tháng mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội: Du khách thích thú  ảnh 1Hơn 1.000 lượt khách quốc tế tham quan bảo tàng đều tỏ ra thích thú, ấn tượng

Kết nối giá trị văn hóa - lịch sử

Bảo tàng Công an Hà Nội được chính thức mở cửa từ tháng 10-2008. Sau 7 năm hoạt động, với mong muốn nâng tầm thành một công trình văn hóa có ý nghĩa, phục vụ đông đảo người dân Hà Nội, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, lãnh đạo CATP Hà Nội đã xin chủ trương của Bộ Công an, đề xuất phương án cải tạo và nâng cấp công trình. Được sự chấp thuận của Bộ Công an, Ban Quản lý Dự án CATP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, trong đó đơn vị tư vấn chính là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cùng các chuyên gia nước ngoài thiết kế, lập bản vẽ công trình.  

Sau 3 tháng khẩn trương cải tạo và nâng cấp, Bảo tàng Công an Hà Nội đã chính thức khánh thành vào ngày 18-8-2015 với một diện mạo hoàn toàn mới mẻ, hiện đại và sống động từ nội dung cho tới hình thức trưng bày. Trước kia, Bảo tàng được xem như “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, lịch sử vẻ vang của CAND Việt Nam nói chung và CATP Hà Nội nói riêng thì nay Bảo tàng tiếp tục được nhắc đến như một điểm đến thân thiện, điểm dừng chân độc đáo với những bất ngờ thú vị cho khách quốc tế.

Dừng lại rất lâu ở các gian trưng bày, thích thú với những món quà lưu niệm độc đáo mang đậm bản sắc của Công an Hà Nội, anh chị Michelle và Paul đến từ Đức cho biết, họ thấy thú vị khi được nhìn lại quá khứ của Hà Nội cùng những hiểu biết về lịch sử Công an Hà Nội. Hai vị khách đến từ Đức cũng bày tỏ sự ấn tượng với đội ngũ nhân viên bảo tàng thân thiện, nhiệt tình, hiểu biết. Và chắc chắn trong lần trở lại Việt Nam tới đây, họ sẽ quay lại thăm Bảo tàng Công an Hà Nội.

Còn với Yu Eun Jung, nữ du khách Hàn Quốc kể: “Tôi tình cờ khám phá ra bảo tàng này và rất ngạc nhiên là tại sao ở Hà Nội có một bảo tàng đẹp đến vậy. Khi tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội, tôi có cảm giác rằng các bạn đã tái hiện, kể lại lịch sử bằng trái tim rộng mở với tinh thần rất nhân văn, bất chấp quá khứ có trải qua nhiều đau thương thế nào đi chăng nữa. Cảm ơn các bạn!”

Tròn 1 tháng mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội: Du khách thích thú  ảnh 2Hoạt động tương tác tại Bảo tàng Công an Hà Nội hấp dẫn nhiều du khách nhỏ tuổi

Bắt kịp xu hướng bảo tàng hiện đại

Bảo tàng Công an Hà Nội được cải tạo và xây dựng trên khu đất có diện tích 1.631m2, trong đó diện tích xây dựng là 765m2, diện tích sàn là 1.040m2 bao gồm 2 tầng. Tầng 1 được thiết kế với khu vực lễ tân, phòng trưng bày trung tâm với chủ đề: “Các lực lượng gần dân”, trưng bày chuyên đề: “Bác Hồ với CATP Hà Nội”, kế đó là khu bán hàng lưu niệm… Tầng 2 là tập hợp hệ thống trưng bày thường xuyên, gồm phòng trưng bày: 1945-1954; 1954-1975; 1975-1986 và 1986 đến nay với các chủ đề xuyên suốt. Trong đó bảo tàng đưa vào trưng bày gần 1.000 tài liệu và hiện vật có giá trị truyền thống, lịch sử.

Điểm nổi bật là toàn bộ các hiện vật đều là hiện vật gốc, từ các đồ dùng, các vật dụng được cán bộ lão thành, các chiến sỹ Công an Hà Nội sử dụng trong quá trình đấu tranh qua các thời kỳ cho đến các hiện vật, các tang vật được các cán bộ công an trực tiếp thu giữ qua những lần phá án… Đặc biệt, Bảo tàng Công an Hà Nội đã ứng dụng những công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thiết kế và trưng bày như: hệ thống đèn LED của hãng ERCO (Đức) - loại đèn chiếu sáng chuyên dụng cho các bảo tàng hàng đầu thế giới, hệ thống trần Barrisol gương của Pháp lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. 

Tròn 1 tháng mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội: Du khách thích thú  ảnh 3Các hiện vật có giá trị lịch sử cao, được bài trí sinh động, sáng tạo

Đánh giá về sức hút của Bảo tàng Công an Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (đơn vị tư vấn dự án) cho biết: “Tôi tin con đường thành công của Bảo tàng Công an Hà Nội sẽ ngắn hơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì công trình này kế thừa được nhiều kinh nghiệm đi trước và có nhiều điểm độc đáo”.

Ấn tượng ban đầu thường là yếu tố quyết định của mỗi công trình văn hóa và nói một cách nào đó thì Bảo tàng Công an Hà Nội đã gây ấn tượng và sự thiện cảm cho du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sử dụng giải pháp đồ họa để in lên kính những hình ảnh khác nhau về con người và cuộc sống Hà Nội trong từng giai đoạn lịch sử, chính những hình ảnh đó đã như một câu chuyện dẫn dắt người xem đến với các hoạt động của Công an Hà Nội từng thời kỳ lịch sử. Nhờ hiệu ứng của ánh sáng mà du khách có thể dễ dàng nhìn thấy cả Hà Nội hiện lên trên bức tường kính đó là hình ảnh chợ hoa ngày Tết, chợ Đồng Xuân, phố cổ rêu phong cùng cuộc sống thanh bình của người dân đất lề Kẻ Chợ… 

Tăng cường hoạt động tương tác

Tròn 1 tháng mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội: Du khách thích thú  ảnh 4Hoạt động tương tác tại Bảo tàng Công an Hà Nội hấp dẫn nhiều du khách nhỏ tuổi
Với xu hướng “mở” để thu hút, hấp dẫn nhiều du khách đến thăm quan, đơn vị phụ trách Bảo tàng Công an Hà Nội đang xin ý kiến Ban Giám đốc CATP cho tiến hành một vài hoạt động tương tác với khách tham quan như: cho trẻ em mặc trang phục cảnh sát  chụp ảnh; trang bị xe đạp để dạy trẻ Luật Giao thông đường bộ; tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ em trong Tết Trung thu như chơi chuyền, ô ăn quan, làm chong chóng... và tặng quà là đồ chơi do cán bộ bảo tàng tự làm (đèn ông sao, túi lưới tự đan đựng hoa quả...). 

Trong những ngày đầu thử nghiệm các hoạt động tương tác, số lượng khách là trẻ em tăng lên rõ rệt. Có nhiều cháu bé đòi bố mẹ cho đến chơi. Qua trang Facebook, đã có 4 trường mẫu giáo và tiểu học đăng ký cho các bé đến sinh hoạt, vui chơi. Nhiều phụ huynh đăng ký được tham gia hình thức tổ chức này. Đại diện đơn vị phụ trách Bảo tàng Công an Hà Nội kể, có cậu bé từ Gia Lai ra Hà Nội, khi xuống tàu hỏa đã đòi bằng được đến ngay bảo tàng.

Đón hơn 5.500 lượt khách đến tham quan, thưởng lãm

Thông tin với PV ANTĐ chiều 27-9, Thiếu tá Bùi Hằng Giang - Đội phó đội Bảo tàng thuộc Phòng Công tác chính trị (CATP Hà Nội) cho biết, tính đến hết ngày 17-9, đã có hơn 5.500 lượt khách đến thăm quan, thưởng lãm Bảo tàng Công an Hà Nội. Trong số này, có trên 1.000 du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, có nhiều cảnh sát các nước đã đến tham quan bảo tàng trong tour du lịch Hà Nội của mình. “Mỗi khách du lịch có sự cảm nhận khác nhau. Khách quốc tế nhận xét Bảo tàng Công an Hà Nội đẹp, hiện đại, cán bộ hướng dẫn chuyên nghiệp, nhiệt tình. Còn du khách Việt Nam lại cảm thấy thích thú vì sự “lạ” của bảo tàng, nhất là những kỷ vật, tài liệu gắn liền với những trang sử hào hùng, anh dũng của Hà Nội” - Thiếu tá Bùi Hằng Giang chia sẻ. 

Cuốn hút thị giác, dễ dàng cảm nhận

Đây là công trình đẹp tại Việt Nam mà chúng tôi được thấy. Từ cách bài trí bên ngoài đến cách trưng bày bên trong bảo tàng đều cuốn hút thị giác. Bảo tàng có bố cục rất khoa học, được thiết kế hiện đại và rất sáng tạo, giúp người xem dễ dàng cảm nhận và như bị cuốn vào. Chúng tôi thấy được lịch sử phát triển của CATP Hà Nội. Nhưng điều tâm đắc nhất là qua tham quan bảo tàng, chúng tôi thấy được sự hy sinh gian khổ của công an trong thời kỳ chiến tranh kéo dài, cũng như sự hồi sinh của một quốc gia trên nền hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Tôi nghĩ đây là điểm tham quan không thể bỏ lỡ với bất cứ ai đến Hà Nội. 

Anh chị John và Brieana - du khách Mỹ

Những câu chuyện đầy ý nghĩa

Tôi đã được nghe họ kể rất nhiều câu chuyện cảm động gắn liền với những bức ảnh, hiện vật, phim tư liệu về CATP Hà Nội. Nhờ đó mà tôi hiểu sâu hơn về những chiến công thầm lặng của họ, thay vì chỉ suy nghĩ đơn thuần: Công an Hà Nội là những người mặc sắc phục làm nhiệm vụ phân làn giao thông trên đường phố Hà Nội, như khi tôi mới đặt chân tới đây du lịch. Cảm ơn các bạn về những câu chuyện đầy ý nghĩa đó. 

Chị Kira - du khách Australia

Hiểu thêm về cách Công an Hà Nội phá án

“Khi đến đây, tôi rất ấn tượng bởi những hình ảnh, poster về lực lượng công an, thậm chí có những bức ảnh gây ấn tượng mạnh. Đặc biệt, thay vì chỉ trưng bày các hiện vật lịch sử, bảo tàng còn giới thiệu các tư liệu rất mới như trang phục, phương tiện của cảnh sát hay tang vật các vụ án. Từ đó, tôi biết thêm về thủ đoạn gây án của các loại tội phạm, đồng thời hiểu thêm về việc làm thế nào các chiến sỹ Công an Việt Nam có thể phá các vụ án. Tôi chắc chắn rằng không chỉ tôi mà bất cứ vị khách nước ngoài nào cũng đều cảm thấy hài lòng vì được hướng dẫn viên giới thiệu bằng cả 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp”.

Chị Niizeki Mihoko - du khách Nhật

Tin cùng chuyên mục