Trộm tranh - ma lực khó cưỡng

ANTĐ - Những tên trộm lao ra cửa sau Viện bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam (Hà Lan) cùng với 7 kiệt tác nghệ thuật, rồi nhanh chóng lên chiếc xe ô tô đã đợi sẵn tẩu thoát trong đêm. Trong số những bức tranh bị lấy đi có các tác phẩm nổi tiếng của danh họa Picasso, Matisse và Monet trị giá hàng triệu USD. Đây là vụ trộm lớn nhất ở Hà Lan trong hơn 2 thập niên qua, với tổng trị giá tài sản bị mất ước tính lên tới gần 100 triệu USD. 

Bên trong Bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam (Hà Lan)

Vụ trộm táo tợn

Vụ trộm xảy ra vào khoảng 3h sáng 16-10 vừa qua. Cảnh sát Rotterdam cho biết, họ đã triển khai ngay lập tức sau chuông báo động của bảo tàng, nhưng không kịp. Những tên trộm được đánh giá là hành động chuyên nghiệp, mau lẹ, tổ chức chặt chẽ và chính xác cao. Đây là vụ trộm tranh lớn nhất tại Hà Lan kể từ khi 20 bức tranh bị đánh cắp khỏi Viện bảo tàng Van Gogh ở Thủ đô Amsterdam năm 1991. Hiện cảnh sát đang mở cuộc điều tra quy mô lớn nhằm truy bắt thủ phạm. 

Vụ trộm xảy ra đúng thời điểm Viện bảo tàng Kunsthal đang trưng bày các tác phẩm của Quỹ Triton, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Bộ sưu tập gồm 150 tác phẩm là đam mê suốt cả cuộc đời của triệu phú Hà Lan Willem Cordia. 

Các chuyên gia an ninh cho rằng nguyên nhân khiến bảo tàng lọt vào tầm ngắm của bọn tội phạm là do cấu trúc và vị trí nằm dọc một con đường lớn. Bên cạnh đó, nơi trưng bày lại nằm ngay tầng 1, rất dễ quan sát từ bên ngoài do chỉ được che chắn bởi các bức tường kính. Dù vậy, các quan chức bảo tàng từ chối công bố chi tiết về việc bọn trộm đã qua mặt hệ thống an ninh như thế nào.

Trước đó cũng xảy ra các vụ trộm tranh gây chấn động giới nghệ thuật thế giới. Hồi tháng 5-2010, một kẻ bịt mặt đã lợi dụng hệ thống báo động an ninh tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Paris (Pháp) bị hỏng, cắt khóa và đánh cắp 5 bức tranh quý trị giá 123 triệu USD. Tháng 2-2008, ba người đàn ông đeo mặt nạ và mặc quần áo sẫm màu cũng đột nhập vào Bảo tàng Buehrle ở Zurich (Thụy Sĩ), dùng súng buộc nhân viên nằm xuống sàn trước khi lấy đi 4 bức tranh của các danh họa Cezanne, Degas, Van Gogh và Monet trị giá 163 triệu USD. Trong khi đó, những kiệt tác nghệ thuật của Edvard Munch như bức họa “Tiếng thét” và “Madonna” bị đánh cắp ngay giữa ban ngày tại Bảo tàng Munch ở Oslo (Na Uy) năm 2004.  

Trộm tranh không hẳn vì tiền

Động cơ của những kẻ trộm tranh có thể khác với những tên cướp ngân hàng bởi vì không phải kẻ trộm tranh nào cũng vì tiền. Đôi khi tên trộm chỉ là một fan cuồng nghệ thuật. Theo AFP, một công nhân xây dựng đã bị tống giam năm 2010 vì ăn trộm kiệt tác “Plage de Pourville” được họa sỹ bậc thầy trường phái ấn tượng người Pháp Claude Monet vẽ năm 1882, từ một bảo tàng ở Poznan, phía đông Ba Lan. Người đàn ông 41 tuổi này thú nhận trộm tranh vì quá hâm mộ kiệt tác đó. Hay như trường hợp của một người đàn ông Pháp tên là Stephane Breitwieser được mệnh danh là “vua trộm tranh” khi thú nhận tại tòa rằng ông ta đã ăn trộm hơn 200 bức từ các bảo tàng nhỏ trên khắp châu Âu. Nhưng Stephane trộm tranh không phải để bán lấy tiền mà giữ lại hầu hết chúng trong nhà để thưởng thức. Ông ta bị kết án 26 tháng tù giam năm 2005 nhưng lại bị bắt trở lại vào năm 2011 cũng chỉ vì trộm tranh. 

Các kiệt tác nghệ thuật bị đánh cắp nhanh chóng “biến mất” trong thế giới ngầm, hầu hết trong số chúng không bao giờ xuất hiện. Nhiều bức tranh quý được chôn sâu, cất giấu trong kho, trao tặng hay đem đổi lấy ma túy, đòi tiền chuộc, thậm chí treo trong nhà của kẻ trộm hoặc rao bán trên eBay.   

Những giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt dường như rất hiếm, đặc biệt là những vụ trộm thu hút sự chú ý như vụ vừa xảy ra ở Rotterdam. “Đôi khi phải sau nhiều thập kỷ tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp mới được tìm thấy”, ông Christopher Marinello, Giám đốc phòng Đăng ký mất các tác phẩm nghệ thuật, cơ quan giúp tìm lại các tác phẩm nghệ thuật cho biết. Như vụ trộm tranh được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ) cách đây đã 22 năm nhưng đến nay 12 bức tranh quý trị giá lên tới 300 triệu USD vẫn chưa được tìm thấy. 5 bức họa ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris bị mất năm 2010 có thể cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Trộm ô tô, đồng hồ còn dễ tìm nơi tiêu thụ, chứ trộm tác phẩm nghệ thuật rất khó bán, nhất là những bức tranh nổi tiếng vì dễ bị nhận diện”, Geoffrey Kelly - đặc vụ FBI phụ trách điều tra vụ trộm tranh ở Bảo tàng Isabella Stewart Gardner nói. 

Nỗ lực ngăn chặn

Việc mất trộm tranh thường do các công ty bảo hiểm chi trả. Tranh càng quý thì số tiền bảo hiểm càng lớn. Trong vụ trộm tranh tại Rotterdam (Hà Lan), số tiền bảo hiểm chi trả có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Theo Interpol và FBI, trộm tranh là loại tội phạm thu được nhiều lợi nhuận thứ 3 trên thế giới, chỉ sau buôn lậu ma túy và vũ khí, nhưng án phạt đối với những tên trộm lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Ngoài các biện pháp tăng cường an ninh tại các viện bảo tàng hay nâng mức hình phạt đối với những tên trộm, một dự án mang tên FING-ART-PRINT do Liên minh châu Âu tài trợ giúp tạo “chữ ký số hóa không thể sao chép” trên các kiệt tác hội họa, có khả năng phân biệt những tác phẩm nguyên gốc, giả mạo và bị đánh cắp. 

Giống như dấu vân tay, mỗi bức tranh sở hữu các đặc tính nhất định về độ ráp của bề mặt tác phẩm và màu sắc. Những đặc điểm này có thể dễ dàng nhận ra dưới kính hiển vi. Nhà sử học Marc Masurovsky và cũng là chuyên gia về tranh đánh cắp, nhận định, công nghệ mới giống như đóng dấu lên đối tượng, giúp chúng ta nhận diện ra chúng. Ứng dụng của nó là khả năng giúp ngăn chặn sự giả mạo hoặc trộm cắp tranh.