Trộm cả trạm biến áp

ANTĐ - Việc xâm phạm thiết bị điện ở trạm biến áp là điều không ai muốn nhưng tội phạm lại “nhìn” thấy “tiềm năng” ở những khối tài sản công thường không được trông giữ này.

Các thiết bị điện đang trở thành “mồi ngon” của bọn trộm cắp (Ảnh minh họa)


Treo cao cũng mất

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực  thành phố Hà Nội, từ tháng 8 đến nay địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ trộm cắp nhằm vào các trạm biến áp ở những huyện ngoại thành hoặc khu vực nội thành đang trong giai đoạn đô thị hóa. Táo tợn nhất là vụ trộm xảy ra ở cụm công nghiệp Tiền Phong, huyện Thường Tín. Trong cụm công nghiệp này ngành điện lắp đặt nhiều trạm biến áp. Các trạm biến áp được thiết kế hệ thống giá đỡ, cách mặt đất vài mét. Cụm công nghiệp có tường rào bao quanh và có nhân viên bảo vệ làm việc 24/24h. Tuy nhiên đêm 30-8, kẻ gian đã qua mặt được nhân viên bảo vệ, vào bên trong cụm công nghiệp lấy đi 1 trạm biến áp trọng lượng chừng 5 tạ. Trạm biến áp này chưa được cấp phụ tải. Để làm được điều đó, chúng phải có ít nhất 2 đối tượng trở lên và khả năng phải dùng phương tiện cơ giới mới vận chuyển được trạm biến áp đi.

Vài ngày sau đó, cũng trên địa bàn xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, xảy ra vụ mất trạm biến áp. Trạm này nằm trên hành lang đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thuộc tài sản của Công ty Quản lý đường bộ 236 cung cấp điện chiếu sáng cho đường cao tốc. Các đối tượng chọn đúng thời điểm khi trạm biến áp bị sự cố, tách khỏi hệ vận hành rồi thực hiện hành vi trộm cắp. Cả khối kim loại nặng vài trăm kilôgam đã bị kẻ gian “bứng” khỏi hệ thống bệ - giàn, đem đi mất.

“Yếu” trong công tác phòng ngừa

Các vụ trộm nhắm vào thiết bị điện hiện đang có xu hướng nở rộ ở nhiều địa bàn. Điểm chung của các thiết bị điện này là đều lắp đặt ở xa khu dân cư, ít người qua lại. Có thể thấy, công tác phòng ngừa của các đơn vị quản lý thiết bị điện còn rất yếu. Thậm chí có đơn vị còn không trình báo cơ quan công an mà đề xuất thay thế mới thiết bị, rồi tính khoản chi phí đó vào hạng mục đầu tư sản xuất hoặc hao phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Một thời gian trước, ngành bưu chính viễn thông cũng từng bị tội phạm trộm cắp “nhắm” đến, với biểu hiện là bị chặt phá, trộm cắp cáp viễn thông.

Tình trạng này đã giảm sau khi ngành này lắp đặt thiết bị cảnh báo xâm phạm hệ thống, đặc biệt phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở tổ chức tuần tra ở những địa điểm lắp đặt thiết bị. Động thái này đã giúp ngành bưu chính giảm dần tình trạng mất trộm tài sản. Với ngành điện và các đơn vị quản lý, sử dụng thiết bị điện, chỉ có sự chủ động trong phòng ngừa, bảo vệ tài sản, phối hợp tốt với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng mới giúp tránh khỏi thiệt hại.