“Trở về từ ký ức”: Trả lại tên cho anh

ANTĐ - Cuộc chia ly nào cũng đau xót và khốc liệt, chỉ có sự trùng phùng mới có thể xoa dịu trái tim. Cảm hứng nhân văn ấy một lần nữa “tiếp lửa” cho nhà báo Thu Uyên bắt tay vào thực hiện chương trình mới “Trở về từ ký ức”…

Sẽ có những liệt sĩ “vô danh” được trả lại tên và đoàn tụ giữa hai bờ âm dương cách trở

ngay trong chương trình

Cũng là cuộc hành trình đi tìm sự đoàn tụ cho những số phận vì lý do nào đó mà thất lạc nhau trong cuộc sống nhưng khác với “Như chưa hề có cuộc chia ly”, chương trình “Trở về từ ký ức” không chỉ là cuộc đoàn tụ giữa những người còn sống mà còn là sự trở về của những liệt sĩ vô danh đang còn nằm ở đâu đó trên khắp đất nước với thân nhân của họ.

Đó là cuộc đoàn tụ giữa hai bờ âm dương cách trở mà nhiều người phải mòn mỏi trông đợi cả cuộc đời. Sự tương tác trực tiếp với khán giả ngay trong thời gian phát sóng cũng là nét riêng làm nên chương trình này. Ở đó sẽ có những gia đình liệt sĩ đang theo dõi chương trình chợt biết được người thân của mình đã sống và hy sinh ra sao, giờ đang an nghỉ ở nơi nào; có những cựu chiến binh bất ngờ gọi điện tới chương trình để thông báo cho gia đình liệt sĩ ấy những thông tin về người đồng đội đã hy sinh; có những người dân, nhân chứng tình cờ kể lại câu chuyện họ đã phát hiện ra kỷ vật, hài cốt của liệt sĩ hoặc chưa biết danh tính, hoặc biết danh tính mà chưa biết cách nào để báo với thân nhân của họ. Và như vậy, sẽ có những liệt sĩ “vô danh” được trả lại tên ngay trên sóng chương trình.

Để đi đến giây phút đoàn tụ thiêng liêng ấy không đơn giản. Nói như lời nhà báo Thu Uyên thì đầu mối của chương trình chính là sự lên tiếng của các cựu chiến binh - đồng đội của những liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh. Qua lời kể của họ, những người làm chương trình sẽ thực hiện các chuyến đi băng rừng vượt suối lần tìm danh tính cho hàng trăm ngàn ngôi mộ liệt sĩ. Nhà báo Thu Uyên tâm sự chị ấp ủ làm chương trình này từ khi vừa bắt tay vào làm “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Ý định ấy càng giục giã hơn khi chị tận mắt chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình đi tìm hài cốt người thân trong vô vọng, chỉ với một chút hương hoa và niềm tin mơ hồ vào các nhà ngoại cảm. Vậy là chị quyết tâm làm với suy nghĩ không có người nào dù lướt qua trên cuộc đời này lại không để lại dấu vết, cũng không có liệt sĩ nào đã ngã xuống mà lại không để lại ký ức trong lòng đồng đội. Điều khác biệt của chương trình là sẽ không có sự tham gia của bất kỳ nhà ngoại cảm nào trong cuộc hành trình đi tìm sự đoàn tụ ấy mà ở mỗi ngôi mộ mà chương trình tìm đến, hài cốt của các liệt sĩ sau khi được khai quật lên sẽ được giám định AND để xác minh thông tin còn khuyết, đảm bảo trả lại đúng danh tính cho người đã khuất và đưa họ tìm về đúng với thân nhân của mình. Công việc khó khăn này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Cục Người có công - Bộ LĐTBXH, Trung tâm xét nghiệm AND và Công nghệ di truyền, các hội Cựu chiến binh, các cơ quan chính sách của quân đội…

Khi bắt tay vào thực hiện những chuyến đi đầu tiên của cuộc hành trình này, điều mà Thu Uyên và những người cộng sự băn khoăn nhất là làm sao để có thể trả lại tên cho những liệt sĩ khuyết danh và chưa tìm được hài cốt về với gia đình chỉ bằng những sợi dây ký ức mỏng manh còn sót lại về họ. Nhưng rồi ý nghĩ “nếu bây giờ không làm thì biết đến bao giờ mới có thể làm được” lại thúc giục họ lên đường. Chiến trường Quảng Trị năm xưa được chọn làm nơi dừng chân đầu tiên của chương trình. Trong số những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên mà chương trình tìm đến, có những ngôi mộ khi được khai quật lên lại không thể xét nghiệm AND vì hài cốt đã bị mủn, lại không ít ngôi mộ tập thể với hài cốt các liệt sĩ cùng được quy tập một nơi để an táng. Với những trường hợp như thế, điều an ủi nhất với những người làm chương trình là giúp gia đình của các liệt sĩ ấy biết được người thân của mình đã chiến đấu và hy sinh trong ngày cuối cùng của cuộc đời với ai, như thế nào và ở đâu. Cũng bởi thế nên đến thời điểm này, mặc dù chương trình chưa lên sóng nhưng nhà báo Thu Uyên chia sẻ đã có 3 trong tổng số 10 liệt sĩ vô danh đã được xét nghiệm AND và trả lại tên đã mất suốt mấy chục năm qua.

Có một điều xúc động là ngay khi biết VTV có ý định sản xuất chương trình này, đã có tới 5 ca khúc được các nhạc sĩ từ khắp nơi trong cả nước gửi về dành tặng chương trình. Trong đó có  “Tiếng gọi từ trái tim” của nhạc sĩ Phạm Minh Thuận - ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ “Giá như” của tác giả Hoàng Quang Khang - cựu chiến binh của Tiểu đoàn 406, đặc công Quân khu 5 viết như nén tâm hương gửi tới những người đồng đội của mình đã ngã xuống tại chiến trường khu 5.

Ngay khi nhận được bản phối khí ca khúc này, Thu Uyên đã gửi tới những người cộng sự lời nhắn nhủ: “Chúng mình phải làm tốt nhất việc này. Thật tự hào vì có những người cổ vũ ngay cả khi chương trình chưa lên sóng”. Hình ảnh chiếc chong chóng quay tròn được chọn làm biểu tượng của chương trình khi chị tình cờ nghe được tâm sự xúc động của một người cựu chiến binh về những người đồng đội đã ngã xuống, rằng những liệt sĩ ấy nào có được biết đến tuổi thơ là gì đâu. Và chiếc chong chóng như gửi gắm khát vọng đưa họ trở về với ký ức của mình, nơi vòng xoay thời gian quay mãi mà không bao giờ có chiến tranh.

“Trở về từ ký ức” càng có ý nghĩa nhân văn lớn lao hơn khi đồng hành cùng cuộc hành trình trả lại tên cho các liệt sĩ là một đơn vị trực thuộc quân đội - Ngân hàng Quân đội (MB). Bà Cao Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội bày tỏ niềm tin “Trở về từ ký ức” không chỉ là một chương trình truyền hình có hiệu ứng xã hội lớn mà còn là một “điểm hẹn” cho tình yêu Tổ quốc, hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt Nam. Đó cũng là tấm lòng biết ơn và sự tri ân của những thế hệ sau đối với biết bao liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân và cuộc đời cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục