Trở tay ngay mới kịp

ANTĐ - Sau một vụ chặn bắt cá Trung Quốc nhập “chui” đầu tiên của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của CATP Hà Nội, những thông tin liên quan đến hiện trạng thủy sản nhập lậu này cứ nóng dần lên mỗi ngày. Các con số cũng tăng vọt, từ 500-1.000kg, đến vài tấn, rồi cả chục tấn mỗi ngày, và cuối cùng là “cá lậu dày đặc trong các chợ”. Người tiêu dùng “phát sốt”, nhất là khi cá đã trở thành lựa chọn của nhiều gia đình sau các dịch bệnh trên gà, lợn.

Tham khảo trên một số trang web của Trung Quốc thì thấy, giá bán buôn cá quả, quy đổi theo tỷ giá hối đoái chưa tới 40.000 đồng/kg, cá tầm khoảng 85.000 đồng/kg còn cá trắm đen chừng 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại cá này được bán trên thị trường Hà Nội lần lượt vào khoảng 100.000 đồng, 160.000 đồng và 170.000 đồng/kg. Đó là chưa nói khi được đưa vào nhà hàng, mức giá này còn được đẩy lên thêm ít nhất 3 lần. Mức lợi nhuận khổng lồ đó đã khiến những kẻ buôn lậu bất chấp tất cả, dùng mọi thủ đoạn để đưa cá từ Trung Quốc về Việt Nam, không cần biết đến hậu quả có thể xảy ra.

Những hậu quả đó là gì? Đương nhiên là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Thứ nhất, cá, ếch nhập lậu không được kiểm định an toàn vệ sinh, lại có xuất xứ từ một nước có quá nhiều bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn, chắc chắn khó mà yên tâm để đưa lên bàn ăn mỗi ngày. Thứ hai, để đưa được cá vượt chặng đường hàng trăm kilômét trong tình trạng chui lủi, tránh né cơ quan chức năng, thương nhân buộc phải dùng đến biện pháp gây mê cho cá. Lại phải khẳng định rằng, biện pháp này đã được sử dụng quá phổ biến trong ngành thủy sản Trung Quốc và cách đây chưa lâu cũng đã bị các cơ quan báo chí của chính nước này phanh phui cũng như lên án kịch liệt do những nguy cơ thuốc gây mê tồn dư, sử dụng không đúng quy định trong cá có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Rõ ràng là vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Cũng bởi vậy trong thời gian qua, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội đã liên tục nhắc nhở việc quyết liệt đấu tranh phòng ngừa thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, và giao tận tay cho các đơn vị nghiệp vụ liên quan. Cuộc chiến đã đạt được những kết quả ban đầu tương đối khả quan bằng việc cảnh sát môi trường liên tiếp bắt cá, ếch lậu những ngày qua. Thực tế đó cho thấy tình trạng buôn lậu thủy sản đã ở mức báo động tương đương với gia cầm nhập lậu.

Liệu có phải đến giờ tình trạng này mới diễn ra? Câu trả lời là không. Thông tin có cá tầm Trung Quốc được bán ở chợ đầu mối Yên Sở đã gây xôn xao dư luận từ ít nhất nửa năm trước. Thời điểm đó, phóng viên Báo ANTĐ cũng đã tìm hiểu tại đây và nhận được những thông tin xác nhận ngấm ngầm từ phía tiểu thương. Song cũng trong quãng thời gian đó, cơ quan chức năng khi được hỏi, đã trả lời là chưa có căn cứ khẳng định điều này. Và nó bị bỏ bẵng cho đến khi lực lượng công an, sau một quá trình điều tra công phu, đã khám phá ra. Trong suốt thời gian đó, thủy sản lậu vẫn được đưa về Hà Nội từng ngày, từng giờ, đe dọa sức khỏe của người dân.

Rõ ràng con cá to thế, lại được chở bằng cả xe tải không thể lọt qua các khâu kiểm duyệt dễ dàng như giấu cây kẹo trong túi áo, nếu như các ngành chức năng ở biên giới, các tỉnh lân cận không buông lỏng quản lý. Và rõ ràng cuộc chiến với thực phẩm bẩn, từ gà, đến nội tạng động vật, và nay là thủy sản không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an hay riêng một tỉnh, thành, địa phương nào. Nhất là khi hiện nay, với chế tài phạt “nhẹ nhàng”, dù lô hàng bị phát hiện có bị tịch thu, tiêu hủy, thì cũng chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà những kẻ buôn lậu thu được, cuộc chiến này sẽ khó có thể đi đến hồi kết thành công. Tính mạng, sức khỏe của người dân đang bị đe dọa từng ngày, đó chính là lý do lớn nhất để tất cả các cơ quan hữu trách phải cùng “trở tay” ngay mới kịp.