Trở ngại lớn nhất cho chương trình tiêm chủng ở châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ đấu tranh để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine Covid-19 ít ỏi, các nước châu Phi còn đang gặp khó khăn trong việc thu hút người dân tiêm chủng. Cho đến nay, chỉ có 5,22 triệu người ở vùng châu Phi cận Sahara đã được tiêm chủng trong khi dân số khu vực vào khoảng 1 tỷ người.
Zimbabwe thực hiện chương trình tiêm chủng nhưng tỷ lệ người đi tiêm vẫn thấp hơn kỳ vọng

Zimbabwe thực hiện chương trình tiêm chủng nhưng tỷ lệ người đi tiêm vẫn thấp hơn kỳ vọng

Châu Phi chủ yếu dựa vào các mũi tiêm AstraZeneca được phân phối theo sáng kiến quốc tế về chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển. Chương trình đã cung cấp khoảng 11,5 triệu liều cho khu vực châu Phi cận Sahara. Ngoài ra, Zimbabwe, Cameroon, Senegal và các nước khác đã nhận được vaccine do Trung Quốc, Nga và Ấn Độ tài trợ.

Ngay cả khi vaccine được cung cấp nhỏ giọt, sự mất lòng tin sâu sắc vào chính phủ đang trở thành một trong những trở ngại lớn nhất mà các cơ quan y tế phải đối mặt. Ifeoluwa Asekun-Olarinmoye, giảng viên sức khỏe cộng đồng và nhà dịch tễ học tại Đại học Babcock, Nigeria, cho biết: “Phần lớn người dân Nigeria không tin rằng căn bệnh này nghiêm trọng như chính phủ liên bang đang cố gắng mô tả”.

Tại Bờ Biển Ngà, một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho thấy, cứ 3 người dân thì 2 người cảm thấy mối đe dọa từ Covid-19 bị phóng đại. Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận được vaccine từ sáng kiến Covax, Bờ Biển Ngà mới chỉ tiêm được cho khoảng 94.800 người, tương đương 0,4% dân số. Salomon Sadia Koui, một y tá 32 tuổi, được phân công ứng trực tại một lều tiêm chủng màu trắng ở Parc des Sports de Treichville ở Abidjan, Bờ Biển Ngà cho biết: “Mọi người tỏ ra sợ hãi và nghi ngờ về vaccine. Phụ nữ hỏi liệu mũi tiêm có khiến họ vô sinh không. Họ tin rằng đó là một cách để kiểm soát dân số vì người châu Phi sinh nhiều con”.

Ở những nơi khác, căn bệnh này được xem như một kế hoạch của giới tinh hoa để trục lợi. “Khi các tổ chức quốc tế và các quốc gia tài trợ bắt đầu công bố ý định hỗ trợ tài chính, Cameroon đã công bố ca nhiễm đầu tiên. Đây là một mưu đồ để kiếm tiền”, Fidelis Mbawah, một nghiên cứu sinh sau đại học ở Yaounde, Thủ đô của Cameroon cho biết.

Các chính trị gia ở Nam Phi, Zimbabwe và Nigeria là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Ở Bờ Biển Ngà, chính phủ đã tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội và ở Zimbabwe, Bộ Y tế đã sử dụng các video hoạt hình trên Twitter để kêu gọi người dân đến các địa điểm tiêm chủng. Tuy nhiên, Jean-Marie Kongoue, một y tá ở thị trấn Odienne, phía Bắc Bờ Biển Ngà, cho biết: “Chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ không chấp nhận vaccine. Một số người không biết đọc và không theo dõi tin tức. Họ lắng nghe nhiều hơn từ bạn bè và gia đình, nhưng những người đó nói họ không nên chủng ngừa. Những người khác không tin rằng virus tồn tại”.

Có thể nói, phần lớn người dân châu Phi đang tránh tiêm vaccine do sự thiếu tin tưởng vào chính quyền địa phương và thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội. Ở Zimbabwe, người ta nghi ngờ về vaccine do Trung Quốc sản xuất, ở Bờ Biển Ngà lại rộ lên thuyết âm mưu rằng đại dịch Covid-19 do “tác nhân nước ngoài tạo nên” hay người dân Somalia bị nhóm chiến binh Hồi giáo Al-Shabaab cảnh báo rằng họ là “chuột lang” thử nghiệm vaccine AstraZeneca. Chỉ khoảng 20% vaccine nhập về đã được tiêm ở Bờ Biển Ngà và Zimbabwe. Ngoài việc bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong việc tiêm chủng, làn sóng hoài nghi vaccine đe dọa đưa châu lục này tụt hậu hơn nữa.

Kể từ khi xuất hiện vào năm 2019, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người trên toàn cầu. Sự chần chừ trong chương trình tiêm chủng đang cản trở các nỗ lực của các chính phủ châu Phi nhằm chống lại các đợt bùng phát dịch liên tiếp. Đại dịch kéo dài sẽ làm trì hoãn sự phục hồi của lục địa, vốn đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo là khu vực hồi sinh chậm nhất. Nó cũng sẽ là nền tảng cho các biến thể virus phát triển, từ đó làm giảm hiệu quả của một số loại vaccine được sử dụng trên khắp thế giới.