Trịnh Thanh Bình chật vật “sống” bằng opera

ANTĐ - Với giọng hát truyền cảm, nghệ sỹ Trịnh Thanh Bình vừa được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lựa chọn là gương mặt sáng giá tham gia biểu diễn chương trình hòa nhạc Toyota năm 2012 Việt Nam-Lào-Campuchia. Tuy đã hoạt động thời gian dài tại sân khấu âm nhạc cổ điển nhưng chỉ đến chương trình có tầm vóc như lần này, cái tên Trịnh Thanh Bình mới được biết đến rộng rãi.  PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

Công sức bỏ ra của một nghệ sỹ opera lớn hơn rất nhiều so với phần họ nhận về

- PV: Anh có bất ngờ khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mời tham dự trong một chương trình hòa nhạc đẳng cấp?

- Nghệ sỹ Thanh Bình: Khi đưa ra lời mời, tôi nghĩ BTC đã có sự lựa chọn kỹ càng. Chương trình hòa nhạc Toyota không chỉ mang tính thưởng thức mà còn là chương trình ghi nhận sự cống hiến của các nghệ sỹ đối với nền âm nhạc và phát hiện các tài năng âm nhạc. Phải thú thực là chỉ đến chương trình hòa nhạc lần này, cái tên Trịnh Thanh Bình mới được biết đến nhiều hơn. 

- Với một giọng ca opera được đánh giá vào Top đầu 

Việt Nam nhưng tên tuổi anh lại được ít người biết đến, vậy có nên hiểu là opera hiện nay vẫn kén khán giả?

- Opera hay nhạc thính phòng được xếp vào dòng âm nhạc bác học. Văn hóa thưởng thức 2 loại hình này hiện không được dạy trong các trường phổ thông ở Việt Nam. Vì thế, thực trạng hiện nay của opera, tôi nghĩ không phải là điều khó hiểu. Vấn đề là chúng ta định hướng phát triển dòng nhạc này như thế nào? Tuy không phải loại hình nghệ thuật dễ tiếp cận nhưng opera cũng không quá khó nghe nếu khán giả muốn khám phá. Vài năm trở lại đây, tôi thấy âm nhạc cổ điển đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Lượng khán giả Việt đến với mỗi buổi biểu diễn tương đối ổn định. Đó là dấu hiệu đáng mừng.

- Vậy thì, đời sống của các nghệ sỹ opera trong mấy năm trở lại đây chắc cũng đỡ vất vả hơn nhiều? 

- Không chỉ thời gian trước mà ngay ở thời điểm hiện tại, các nghệ sỹ opera Việt Nam sống bằng nghề cũng rất vất vả. Phần lớn, cánh nghệ sỹ hát opera chúng tôi đều phải dùng “cánh tay trái” để làm cho “cánh tay phải” khỏe hơn, có người đi dạy thêm, có người hát thêm các dòng nhạc cách mạng. So với các giọng ca opera nước ngoài, nghệ sỹ hát opera của Việt Nam sống chật vật hơn rất nhiều. Cuộc sống trên sân khấu và cuộc sống đời thực khác nhau “một trời một vực”. Nếu như trên sân khấu, chúng tôi trông bóng bẩy, sang trọng thì ngoài đời là một hình ảnh trái ngược với những lo toan bề bộn của cuộc sống cơm áo gạo tiền. 

- Có bao giờ anh so sánh mình với các nghệ sỹ nhạc thị trường không? 

- Giọng hát opera là “làm thật” và “ăn thật”, không qua bất cứ hệ thống thu âm hay hỗ trợ âm thanh nào. Trong khi đó, ở dòng nhạc thị trường đã xuất hiện tình trạng hát nhép, giọng đi rồi mà hát vẫn ở lại. Vừa qua Bộ VH-TT&DL có đưa ra dự thảo về cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ sỹ, tôi cho là đúng đắn, sẽ làm hạn chế tình trạng “làm chơi ăn thật”. Còn về vấn đề cát-xê thì tôi chỉ dám tiết lộ là con số hàng chục triệu trả cho nghệ sỹ solo của dòng nhạc thị trường luôn là niềm mơ ước của các nghệ sỹ hát opera Việt Nam chứ đừng nói tới hàng trăm triệu. Công sức bỏ ra của một nghệ sỹ opera cho một chương trình hòa nhạc thành công lớn hơn rất nhiều so với những gì họ nhận được. 

- Vừa chịu thiệt thòi vừa không được khán giả mặn nồng, điều gì đã khích lệ các nghệ sỹ opera như anh bám trụ với nghề?

- Vẫn chính là khán giả thôi. Những khán giả bỏ tiền túi và đến với nhà hát để thưởng thức âm nhạc cổ điển đều là những người có văn hóa và họ rất trân trọng công sức của các nghệ sỹ đã cống hiến cho khán giả bằng những tràng pháo tay không ngớt. Chính điều đấy đã bù đắp những điều mà lâu nay các nghệ sỹ hát opera luôn chịu thiệt thòi. Chúng tôi cũng trằn trọc với sự mâu thuẫn đang tồn tại lâu nay của dòng âm nhạc bác học, có người cũng đã bỏ nghề nhưng đôi khi các nghệ sỹ cũng cần biết kiên nhẫn chờ đợi một ngày không xa khán giả sẽ yêu mến thể loại âm nhạc xưa nay vẫn nổi tiếng bởi sự kén chọn người nghe. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!

Chương trình hòa nhạc Toyota năm 2012 sẽ diễn ra tại 

4 thành phố lớn là: Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), TP.HCM và Hà Nội từ ngày 24-7 đến 6-8. Tại chương trình, giọng nam cao Trịnh Thanh Bình sẽ thể hiện các tác phẩm “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của nhạc sỹ Hoàng Hà và “Tình ca” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Tại Hà Nội, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và hứa hẹn mang đến giá trị thưởng thức âm nhạc phong phú và những giai điệu tinh tế cho các khán giả yêu nhạc tại những thành phố diễn ra chương trình.