Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân

ANTĐ - CHDCND Triều Tiên tiếp tục làm nóng thêm tình hình căng thẳng với tuyên bố sẽ tái khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa từ năm 2007.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang, Cơ quan thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) vừa chính thức đưa tin Cục năng lượng nguyên tử quốc gia đang lên kế hoạch “tái điều chỉnh và khởi động lại tất cả các thiết bị hạt nhân” tại khu tổ hợp Yongbyon. Các cơ sở này bao gồm một nhà máy làm giàu uranium và một lò phản ứng công suất 5 megawatt đã được “vô hiệu hóa” theo một thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán giữa CHDCND Triều Tiên, Mỹ và 4 quốc gia khác vào tháng 10-2007.

Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon là một cơ sở hạt nhân lớn của CHDCND Triều Tiên, chuyên vận hành các lò phản ứng đầu tiên ở nước này. Năm 2007, sau cuộc đàm phán 6 bên, Triều Tiên đã đồng ý sẽ đóng cửa và niêm phong cơ sở hạt nhân này bao gồm cả các trang thiết bị tái chế, đồng thời đồng ý cho các nhân viên của IAEA trở lại để tiến hành kiểm tra, giám sát khi cần thiết. Ngay sau đó, Washington đã nhanh chóng viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng. 

Hình ảnh phá tháp làm lạnh tại Yongbyong năm 2007 (Ảnh: sưu tầm)

Kế hoạch  "tái khởi động" khu Yongbyong được đưa ra sau khi Đảng Công nhân cầm quyền do Kim Jong Un dẫn đầu thông báo chiến lược mới “thúc đẩy đồng thời cấu trúc kinh tế và xây dựng lực lượng vũ trang hạt nhân” vào hôm Chủ nhật.  

Tuyên bố mới nhất này của Triều Tiên nằm trong một loạt động thái khiêu khích và hiếu chiến nhằm vào Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong những tuần qua, bao gồm cả lời đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Sự tức giận của Bình Nhưỡng bắt đầu từ các cuộc tập trận quân sự chung trong khu vực của Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cũng như các Nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc hơn từ Liên Hợp Quốc với những cuộc thử nghiệm hạt nhân của nước này.

Đối với các lời đe dọa có phần khoa trương của Bình Nhưỡng, nhiều nhà phân tích cho rằng chúng không hề khớp với khả năng thực tế của chế độ quân sự hiện có của Triều Tiên.