Quảng Ngãi:

Triệu tập đại diện 4 đơn vị thi công để điều tra vụ sập cầu

ANTĐ - Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm lúc 15h31 ngày 29/12, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thi thể cuối cùng vụ sập cầu Bà Dầu, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn.

Đó là anh Trương Văn Hội, (SN 1989) quê ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). Đây là vụ sập cầu hy hữu, lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Ngãi. Công an huyện Bình Sơn triệu tập 4 đơn vị thi công cầu để phục vụ công tác điều tra.

Học sinh đi qua sông nhưng áo phao trang bị không đầy đủ.

Khoảng 12h20, ngày 26.12, lúc đang đổ bê tông cầu Bà Dầu trên sông Trà Bồng, nối giữa 2 xã Bình Dương và Bình Thới, huyện Bình Sơn, cầu bị sập, làm 7 công nhân rơi xuống sông, 2 công nhân mất tích là Nguyễn Minh Quang (SN 1979) ở TP Quy Nhơn (Bình Định) và Trương Văn Hội (SN 1989) ở huyện Núi Thành (Quảng Nam). 1 người bị thương nặng là anh Nguyễn Hồng Vũ ngụ ở xã Tam Kỳ (Quảng Nam) được nhân dân đưa đi cấp cứu, 4 công nhân còn lại may mắn thoát chết là Nguyễn Văn Sáu, Trương Văn Vĩnh, Trần Văn Trọng và Nguyễn Đình Phụng (đều ở xã Bình Dương và tỉnh Quảng Nam).

Anh Trương Văn Hội được nhân dân động viên, hỗ trợ tiền
để đưa thi thể em trai là Trương Văn Vĩnh về quê an táng

Vụ sập cầu gây kinh hoàng hàng ngàn người dân địa phương, các lực lượng chức năng Công an tỉnh, Công an huyện Bình Sơn, Bộ chỉ huy quân sự huyện và chính quyền xã Bình Dương triển khai ca nô, xuồng máy và 6 thợ lặn để tìm kiếm. Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay: sau khi xảy ra vụ sập cầu, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tiền cho người nhà mỗi nạn nhân 2 triệu đồng và lo nơi ăn, ở để tìm kiếm người bị nạn. Chiều 27.12, sau khi tìm được thi thể của anh Quang cách địa điểm cầu sập khoảng 50 mét, chính quyền địa phương đã điều động xe và các dụng cụ cần thiết cùng gia đình đưa thi thể anh Quang về quê nhà.

Được biết gia cảnh anh Quang rất khó khăn, anh là trụ cột chính trong gia đình, cái chết của anh đã để lại khó khăn chồng chất lên người vợ không nghề nghiệp ổn định, và 1 con nhỏ còn thơ dại.

Sau 3 ngày nỗ lực của lực lượng cứu hộ, dù trời mưa lạnh, nước sông lại chảy xiết nhưng lực lượng đã tìm được thi thể cuối cùng trong vụ sập cầu. Hiện địa phương đa tổ chức đưa thi thể nạn nhân về quê an táng. Thi thể của anh Hội phát hiện cách hiện trường vụ sập cầu khoảng 100 mét về hướng Nam.

Ngay sau khi xảy ra vụ sập cầu Công an huyện Bình Sơn đã triệu tập kỹ sư cầu đường Đỗ Thành Long (SN 1983) ở TP Đà Nẵng, nhân viên công ty Nam Thành Việt – cán bộ giám sát công trình để làm việc. Qua khai nhận ban đầu, Long cho hay: khoảng 11h40, công nhân bắt đầu đổ bê tông ở nhịp giữa cầu.  Đến khoảng 12h20, khi đổ được 8 khối bê tông, dài 15 mét thì cầu bị sập.

Nhịp giữa dài 30 mét cầu Bà Dầu bị sập đổ hoàn toàn.

Cầu Bà Dầu có chiều dài 107 mét, do mạnh thường quân Cao Ngọc Liên ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đầu tư 100% vốn. Công trình được khởi công ngày 12.2.2011. 4 đơn vị thi công gồm: Công ty cổ phần Bách Việt (phụ trách xây dựng trụ cầu), Công ty Cao Dương (phụ trách nhịp dàn và vòm cầu), Công ty Goldermark (phụ trách thiết kế) và Công ty Nam Thành Việt (phụ trách đổ bê tông cầu).

Sáng 27 – 29.12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Sơn đã triệu tập đại diện 4 công ty trên để phục vụ công tác điều tra.

Qua điều tra ban đầu, Công ty Nam Thành Việt đã hợp đồng lại với ông Nguyễn Đình An (SN 1968) ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) đổ bê tông nền cầu Bà Dầu, thông tin vụ việc vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Công an Bình Sơn triệu tập kỹ sư Đỗ Thành Long để lấy lời khai.

Chỉ cách đây hơn một tháng, những ngày nước lũ dâng cao, theo đoàn công tác kiểm tra bến đò ngang ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (nơi xảy ra vụ sập cầu) chúng tôi mới thấy nao lòng cảnh học sinh chông chênh vượt sông đến trường. Nước lớn ở mức báo động 3, nhưng mỗi ngày có trên 150 lượt học sinh và nhân dân đi đò ngang sang con sông này. Anh Phùng Đình Tuyên, ngụ ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn người chuyên lái đò cho hay: Nhiều lúc nước lớn chúng tôi không muốn đưa đò, nhưng nếu nghỉ thì học sinh sẽ bỏ học, người dân không đi lại mưu sinh được...

Thực tế cuộc sống của nhân dân và học sinh nơi đây là vậy, chiếc cầu tình thương Bà Dầu là điều khát khao vô bờ bao đời của họ. Thế nhưng chỉ vì "tắc trách" của đơn vị thi công, cầu đã sập, không khí tang thương lại bao trùm xóm nhỏ. Tắc trách đó ở đâu, chỗ nào? Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ, nhưng liệu nhịp cầu có nối lại được nữa hay không, người dân nơi đây lại phải mong đợi thêm một lần nữa!

Tin cùng chuyên mục