Triệt phá hơn 1.000 ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp

ANTD.VN - Ngày 29-12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016 bước sang ngày làm việc thứ hai.  

Đã thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế

Tại phiên họp sáng 29-12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng.

Về nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách, theo Bộ trưởng, ngoài lý do tăng trưởng kinh tế không đạt thì có nhiều yếu tố khác như giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, khí làm giảm thu 1.000 tỷ đồng, khối ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 20% do trích lập dự phòng; thua lỗ các dự án lớn thuộc các DNNN… Các chỉ tiêu bội chi, nợ công có khả năng giữ được như báo cáo với Quốc hội.

Trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế… Bộ Tài chính đã  thực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra với gần 82.000 doanh nghiệp kiến nghị tăng thu 14.500 tỷ đồng, đến nay thu được 9.200 tỷ đồng; phạt 607 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế; tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng; thu 6.600 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước…

Đến hết tháng 11/2016, đã thu hồi 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế và số còn nợ đọng thấp hơn thời điểm năm 2015. Số nợ thuế hải quan chỉ còn 1%. Tuy nhiên số nợ đọng thuế còn lớn, còn tình trạng thất thu. Hiện tại, Bộ Tài chính đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử.

Triệt phá hơn 1.000 ổ nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp ảnh 1

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương

Phát triển phải đi liền với ổn định

Cũng tại phiên họp, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu về một số nội dung liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm... tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, trong năm 2016, các lực lượng Bộ Công an đã triệt phá hơn 1.000 băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp (siết nợ, đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp...); phát hiện hơn 16.000 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế; 224 vụ phạm tội tham nhũng, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn; gian lận thuế VAT; chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết bức xúc của người dân về môi trường trên địa bàn; giải quyết các vụ việc đình công, lãn công; xử lý vi phạm trật tự trong PCCC; đẩy mạnh cải cách hành chính trong những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp...

Cụ thể, trong năm 2016, đã rà soát hơn 120 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đề xuất bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, đơn giản hóa trình tự thực hiện 112 thủ tục, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ 81 thủ tục… Giảm thời gian cấp hộ chiếu từ 15 ngày xuống còn 8 ngày, cấp thị thực và thời hạn tạm trú đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được nâng từ 1 năm lên 5 năm.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng kiến nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần “phát triển phải đi liền với ổn định”... 

Ngăn chặn tin đồn thất thiệt

Tham luận tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định... góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý.

Về thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, rung lắc mạnh, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, không làm thị trường biến động mạnh. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo.

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn...

Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017.

NHNN dự kiến, năm 2017 phải điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...

NHNN kiến nghị một số vấn đề: Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt... để ổn định thị trường...