Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiết kiệm ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản, tài sản số... Nhà đầu tư ngày càng có nhiều lựa chọn về kênh đầu tư trong thời gian tới, tuy nhiên kênh đầu tư nào sẽ là lựa chọn phù hợp trong năm 2022.

Năm 2021 vừa qua là năm bùng nổ của nhiều kênh đầu tư khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, lãi suất tiết kiệm duy trì mức rất thấp, dẫn đến nguồn tiền nhàn rỗi buộc phải đi tìm các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao hơn. Năm 2022 này, môi trường đầu tư có thể sẽ thay đổi khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới gần 350.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” dần ra thị trường.

Lãi suất tiết kiệm sẽ vẫn ở mức thấp

Kể từ cuối năm 2021 đến nay, lãi suất huy động có động thái tăng nhẹ tại một số ngân hàng quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhìn chung trong năm 2021, mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn so với năm 2020 và thấp hơn nhiều so với trước dịch. Cụ thể, mức lãi suất tối đa tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ ở mức tối đa khoảng 5,6%/năm; trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần cao nhất cũng chỉ xoay quanh con số 7%/năm. Với lãi suất huy động kém hấp dẫn như vậy, trong năm 2021, dòng tiền có xu hướng rút ra khỏi hệ thống ngân hàng để đầu tư vào các kênh khác, tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay.

Năm 2022, môi trường đầu tư có thể sẽ thay đổi khi dịch bệnh dần được đẩy lùi

Năm 2022, môi trường đầu tư có thể sẽ thay đổi khi dịch bệnh dần được đẩy lùi

Về lãi suất, mặc dù khoảng đầu tháng 12-2021, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn giảm so với cuối năm 2020. Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nền kinh tế, các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Do đó mặt bằng lãi suất sẽ khó tăng đột biến.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, khả năng lãi suất tiết kiệm sẽ tăng vào khoảng 0,25 - 0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm. Tương tự, Công ty chứng khoán SSI cũng dự báo, nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20 - 25 điểm phần trăm trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng cấp 3 vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và tệp khách hàng gửi tiền yếu hơn. Kỳ vọng lãi suất huy động duy trì mặt bằng thấp cũng được phản ánh trong kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng mới công bố gần đây.

Theo đó, các ngân hàng dự đoán trong quý I và cả năm 2022, nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền. Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý I-2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. Như vậy, trong năm nay người gửi tiền các ngân hàng sẽ có mức lãi suất tối đa không cao hơn năm trước là bao, trừ đi lạm phát thì lợi suất khi gửi tiền ngân hàng là kém hấp dẫn hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, đây sẽ là kênh giữ tiền an toàn bậc nhất nên sẽ vẫn là lựa chọn của nhiều người.

Các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế

Các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế

Vàng chịu nhiều áp lực

Vào đầu năm 2021, nhiều nhà phân tích, các định chế tài chính đều bày tỏ sự lạc quan với triển vọng giá vàng khi kim loại quý này đã tăng tới 22% trong cả năm 2020. Tuy nhiên, trái với những dự báo này, vàng đã có 1 năm đầy thất vọng khi kết thúc năm 2021 với mức sụt giảm gần 3%. Bước sang năm 2022, các nhận định về thị trường vàng thế giới đang khá phân tán. Trong khi một số nhận định cho rằng áp lực lạm phát và diễn biến phức tạp của Covid-19 với chủng Omicron mới xuất hiện tiếp tục hỗ trợ cho kim loại quý, thì ở phía ngược lại cũng có rất nhiều dự báo bi quan.

Bà Georgette Boele - chiến lược gia cao cấp về ngoại tệ và kim loại quý của Ngân hàng Hà Lan ABN Amro dự báo, giá vàng sẽ giảm xuống 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022 và giảm tiếp xuống 1.300 USD/ouncevào cuối năm 2023. Nguyên nhân là do Mỹ và các ngân hàng Trung ương khác trên thế giới sẽ có xu hướng đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn. Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, vàng khó có thể chống lại sức mạnh của USD cũng như các đồng tiền mạnh khác trên thị trường.

Trên thực tế vào tuần trước, khi kết thúc cuộc họp Ủy ban Thị trường mở thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khi những thông tin về khả năng FED sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất cũng như sớm kết thúc việc mua tài sản hơn dự kiến, giá vàng đã nhanh chóng lao dốc. Điều này cho thấy, nếu việc thắt chặt chính sách tiền tệ xảy ra, kim loại quý này sẽ chịu rất nhiều áp lực. Trong khi đó, Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu, tuy nhiên có thể trở lại mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022.

Trong nước, đầu tư vàng càng rủi ro hơn khi vàng trong nước luôn có diễn biến không theo sát diễn biến thế giới, các doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh giá có lợi cho mình và đẩy phần thiệt về phía người mua. Đồng thời, theo Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước không chỉ duy trì chênh lệch giữa thị trường trong nước - thế giới ở mức rất cao mà chênh lệch mua vào - bán ra cũng lớn. Do đó, người mua vàng nếu giá vàng tăng cũng khó có lãi mà nếu giảm thì còn chịu “lỗ kép”, vừa lỗ do giảm giá, vừa lỗ chênh lệch mua - bán. “Trong khi đó, đầu tư vàng thì sẽ không có khả năng sinh lời nào khác ngoại trừ giá tăng. Bạn cầm tiền thì có thể gửi tiết kiệm được, bất động sản cho thuê được, nhưng vàng thì đi gửi ngân hàng thậm chí còn mất phí... Do đó, tôi nghĩ đây sẽ không phải là kênh đầu tư hấp dẫn thời điểm này” - ông Khánh nói.

Trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực mức tăng vào khoảng 20% khi kinh tế vĩ mô ổn định

Trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực mức tăng vào khoảng 20% khi kinh tế vĩ mô ổn định

Bất động sản liệu còn nóng?

Năm 2021 được coi là năm đáng nhớ đối với nhà đầu tư bất động sản khi hầu hết các phân khúc đều tăng giá, đặc biệt là phân khúc đất nền. Tại nhiều địa phương giá đất nền đã tăng 30 - 50%, tạo thành những cơn sốt cục bộ. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa, nhiều nhà đầu tư đã lãi đậm khi đầu tư đúng thời điểm.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá bất động sản của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%; giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM tăng 17%. Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, tại Hà Nội giá bán biệt thự đã tăng 13%; nhà phố tăng 4%; nhà phố thương mại tăng 3%. Tại TP.HCM, giá biệt thự tăng 3%; nhà phố tăng 17%; nhà phố thương mại tăng 6%.

Trong năm 2022, bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực dựa trên 3 yếu tố: Nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trong năm 2022; lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà; và nguồn cung mới hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng sẽ có tác động tích cực và trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản trong các năm tới.

Theo một cuộc khảo sát của Batdongsan.vn, nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân trong năm 2022 vẫn rất lớn khi có tới 92% người phản hồi cho biết sẽ tiếp tục đầu tư bất động sản trong năm sau; 77% có mong muốn mua thêm nhà đất và 44% chọn mua bất động sản trong 1-2 năm tới. Đối với phân khúc đất nền vốn nóng trong năm 2021, dự báo sẽ tiếp tục “dẫn sóng” trong năm 2022. Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, cơn sốt của thị trường thời gian qua chỉ mang tính cục bộ.

Về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Vì vậy, trong quý I và quý II-2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. “Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro” - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Chứng khoán sẽ vẫn là kênh đầu tư “vua”

Năm 2021 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán với số lượng nhà đầu tư kỷ lục tham gia mới vào thị trường, kéo theo đó là dòng tiền khổng lồ. VN-Index đã có mức tăng tới 33,7% - thuộc top thị trường có mức sinh lời tốt nhất thế giới, HNX-Index thậm chí còn tăng 130%. Không ít nhà đầu tư đã nhân đôi, nhân ba tài khoản nếu lựa chọn đúng “sóng” cổ phiếu.

Sở dĩ chứng khoán có sức hút đến vậy, bởi vì nó có khả năng sinh lời tốt, lại phù hợp với nhu cầu đầu tư của rất nhiều người với số vốn vừa phải, tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể giao dịch ở bất kỳ đâu chỉ cần có điện thoại thông minh/ máy tính và Internet. Trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực mức tăng vào khoảng 20% khi kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh phục hồi và gói hỗ trợ kinh tế sẽ mở ra dư địa tăng trưởng của rất nhiều nhóm cổ phiếu. Do đó, các chuyên gia vẫn nhận định hết sức khách quan về kênh đầu tư này.

Linh hoạt và tỉnh táo để kiếm tiền trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán trong năm qua có sự phân hóa rất mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Theo đó, dòng tiền liên tục luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu khác nhau, từ nhóm ngân hàng, thép, dầu khí rồi chuyển qua nhóm chứng khoán và cuối năm là sự bùng nổ của cổ phiếu bất động sản, penny. Sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng như sự linh hoạt của dòng tiền khiến bản thân nhiều chuyên gia cũng khó dự đoán được, không ít nhà đầu tư không “đảo” danh mục hợp lý sẽ vẫn rơi vào cảnh thị trường “xanh” nhưng danh mục vẫn “đỏ”.

Ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ IPA cho biết, điều tiếc nuối trong năm qua là bản thân nên vững tin hơn vào thị trường chứng khoán, bởi lẽ sức tăng mạnh và bền bỉ qua 2 năm của thị trường là rất hiếm có. Đồng thời, sự luân phiên nhau của các nhóm cổ phiếu khiến các nhà đầu tư nếu chỉ chăm chăm nắm giữ một vài cổ phiếu thì sẽ bỏ lỡ đi hàng loạt cơ hội hấp dẫn khác. Riêng với nhóm cổ phiếu bất động sản dù đã trải qua giai đoạn tăng nóng thời gian qua, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng ở sức mạnh của nhóm cổ phiếu này. “Mặc dù trong ngắn hạn mức kỳ vọng này có thể đi hơi quá, song thị trường luôn có lý lẽ riêng. Cụ thể, việc tích lũy quỹ đất đã diễn ra từ vài năm trước và thực sự chỉ được giới đầu tư để ý đến trong những tháng cuối năm 2021, dẫn tới sức tăng tưởng chừng vô lý nhưng lại hoàn toàn hợp lý của nhóm cổ phiếu bất động sản” - ông Cao Minh Hoàng nói.

Tương tự, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc phân tích Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng, sự vận động quá nhanh của thị trường chứng khoán trong năm 2021 đã khiến đôi khi những điều cần chú trọng hay coi là chân lý đã trở nên “sai”. Do đó, dù thị trường tăng nhưng nhà đầu tư cũng cần sáng suốt khi lựa chọn cổ phiếu đầu tư, tránh FOMO (đầu tư theo đám đông), tránh tham gia vào những cổ phiếu đã có mức định giá quá cao, kỳ vọng đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu. “Thà rằng chúng ta bỏ lỡ cơ hội, còn hơn là bị dẫn dụ, FOMO để rồi “đu đỉnh”, mắc kẹt tại vùng giá cao; ngoài ra còn khiến bỏ lỡ cơ hội tại các cổ phiếu khác có định giá hấp dẫn hơn” - bà Hiền nói. Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư chỉ nên quyết định mua cổ phiếu ngành nào mà bản thân đã có những kiến thức và hiểu biết nhất định, đặc biệt nên tránh sự lôi kéo từ thị trường như “đu” theo “sóng” hay các lời hô hào trong hội nhóm. Bà cũng lưu ý, việc đầu tư chứng khoán sẽ không “dễ như ăn kẹo”. Một khi đã bước chân vào lĩnh vực mới như đầu tư chứng khoán thì cần phải chấp nhận rủi ro, điều quan trọng là chuẩn bị kiến thức và tâm lý để chấp nhận mức rủi ro đó. đoan Hùng