Triển lãm "Vô hình và hữu hình": Họa sĩ vẽ như thầy bói

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển lãm Vô hình & Hữu hình của 2 họa sĩ Nguyễn Hiển và Nguyễn Tất Long sẽ diễn ra từ ngày 9/7 đến hết ngày 13/7 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Trong triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Tất Long “phụ trách” những bức tranh “vô hình” và họa sĩ Nguyễn Hiển “phụ trách” những bức tranh “hữu hình”

Ở Việt Nam mặc dù đã có rất nhiều họa sỹ vẽ tranh trừu nhưng đa phần vẽ theo lối trừu tượng trữ tình, còn rất ít họa sỹ vẽ theo dòng biểu hiện trừu tượng và Nguyễn Tất Long là một trong số rất ít họa sỹ đi theo lối vẽ này.

Sở dĩ hiếm như vậy vì thị trường nội địa chưa chuộng dòng tranh này, nói cách khách thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, khách hàng hiện đang dừng ở giai đoạn trừu tượng trữ tình. Hơn thế, biểu hiện trừu tượng đòi hỏi người nghệ sỹ phải có “căn”, bởi loại hội họa này mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ, có nghĩa là nó phụ thuộc vào khí chất, tư duy tự do tuyệt đối, tính cảm xúc, ngẫu nhiên, vô thức của họa sỹ khi hành động. Đôi khi, chính họa sỹ không biết chắc là họ vẽ gì và tại sao họ vẽ vậy.

Bức "Một mình" của họa sĩ Nguyễn Hiển

Bức "Một mình" của họa sĩ Nguyễn Hiển

Nói như vậy không có nghĩa là họ vẽ bừa mà mỗi họa sỹ có một cái code riêng, kỹ thuật (giờ bay) riêng. Vấn đề là khi nào bạn sẽ đặt nhát đầu tiên? Có khi bạn đứng trước toan cả tiếng đồng hồ rồi lại quẳng bút đi, có khi bạn bí, nhậu chán bỗng nhảy bổ vào toan và quất ngay được một bức ưng ý... Gọi là trò chơi tức là không tùy tiện mà có vần luật của nó, những người trong nghề chỉ nhìn thoáng là biết trình, nội lực của họa sỹ đến đâu, hay dở thế nào.

Nguyễn Tất Long là người chịu ảnh hưởng của trường phái biểu hiện trừu tượng và đặc biệt của Cy Tombly - người là gạch nối giữa giữa trường phái biểu hiện trừu tượng New York với nghệ thuật đương đại.

Ảnh hưởng chứ không phải là bắt chước, đó là ảnh hưởng về quan điểm nghệ thuật: nghệ thuật xuất phát từ tâm trí, từ vô thức hoặc là sự phóng chiếu những cảm xúc chủ quan, giải phóng năng lượng bên trong một cách mạnh mẽ trên nguyên lý của nghệ thuật phi khách quan/ phi khách thể.

Còn Nguyễn Hiển ở triển lãm này, anh giới thiệu nhiều tác phẩm với chủ đề phụ nữ với những tâm trạng tù túng, như muốn bùng nổ khỏi sự gò bó, ràng buộc. Hội họa của Nguyễn Hiển không sa vào lối tả thực, bởi anh không nhằm sao chép hay làm đẹp đối tượng, mà nhằm vào lột tả và khám phá tinh thần, cá tính của đối tượng, dĩ nhiên là bằng cảm quan của mình.

Bức "Đất lở" của họa sĩ Nguyễn Hiển

Bức "Đất lở" của họa sĩ Nguyễn Hiển

Đa phần các họa sỹ vẽ về phụ nữ của Việt Nam đều rất nuột là do quan niệm thẩm mỹ của họ trùng với gu của đa số trong xã hội về vẻ đẹp mềm mại, nữ tính. Phù hợp với cách biểu đạt này là lối vẽ có hơi hướng cổ điển, trường quy.

Một số khác vẽ nude lại thiên về biểu hiện chủ nghĩa, nôm na là biểu đạt những cảm xúc chủ quan về đối tượng, vậy nên họ chỉ nhấn vào những đặc điểm mà họ cảm thấy là căn bản nhất, đặc trưng nhất, hay ho nhất của đối tượng mà cá nhân họa sỹ cảm thấy. Nguyễn Hiển thuộc loại này, vậy nên, trong tranh anh không xuất hiện những cô gái có khuôn mặt hay vóc dáng xinh đẹp, yểu điệu hay đài các, mà chỉ là những điểm nhấn nữ tính nhất đã được lưu và đầu óc anh ấy mỗi khi gặp một gái nào đó, dù người ấy với họa sỹ là quen biết, thân thiết hay chỉ là gặp gỡ tình cờ, thoảng qua.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tất Long

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tất Long

Vì thế, khi xem tranh Nguyễn Hiển, PGS.TS Bùi Quang Thắng chợt có ý nghĩ rằng: Họa sĩ đôi khi giống mấy ông thầy bói, vẽ cứ như phán: Cô này hạnh phúc, cô kia đau khổ, cô này đang yêu mê muội, cô kia thất tình, cô này máu lửa, cô kia nguội lạnh… Đó chính là điểm mạnh của lối vẽ biểu hiện, nó khiến hội họa đỡ nhàm chán, đỡ tẻ nhạt khi khiến người xem phải cùng khám phá đối tượng với tác giả. Và những người xem khác nhau lại đoán định khác nhau về một đối tượng.

Đặc biệt trong triển lãm này, Nguyễn Hiển có nhiều bức tranh về đề tài môi trường, thiên tai rất ám ảnh. Anh vẽ nhiều bức về chủ đề đất lở, lấy cảm xúc từ vụ lở đất năm 2020 vô cùng đau thương. Đây là một đề tài vô cùng khó, nhưng với sự khéo léo của mình, Nguyễn Hiển đã chuyển hóa thành những bức tranh đẹp, nhưng chứa đầy sự bi tráng và nỗi trăn trở về sự tàn phá môi trường.