Triển lãm di sản kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội

ANTD.VN -Sáng 9-10, tại sảnh tầng 1Nhà hát Lớn đã diễn ra triển lãm Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội. Triển lãm nằm trong Chương trình tham quan lịch sử kiến trúc và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Nhà hát Lớn Hà Nội

Trong khuôn khổ Triển lãm, Ban tổ chức lựa chọn giới thiệu 70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kĩ thuật của 6 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Đây là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX: Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Louis Finot, Sở Bưu điện Hà Nội, Trường Đại học Đông Dương, Nha Tài chính Đông Dương và cầu Doumer…

Trong gần một thế kỉ ở Việt Nam, với giấc mơ về một Thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình, đặc biệt là những công sở và công trình văn hoá mang phong cách phương Tây. Kiến trúc Pháp đã trở thành di sản có giá trị về văn hoá, kiến trúc và công năng ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác ở Việt Nam.

Tài liệu lưu trữ về các công trình xây dựng thời kì Pháp thuộc hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Tài liệu về các công trình này gồm tài liệu hành chính, tài liệu thiết kế và thi công các công trình công sở, dinh thự, bệnh viện, bảo tàng, thư viện, trường học, một số công thự dành cho các quan chức cấp cao của chính quyền Pháp.

Đại học Đông Dương nay là Đại học Quốc gia Hà Nội

Thông qua tài liệu lưu trữ, có thể thấy kiến trúc Pháp du nhập vào Việt Nam trải qua một quá trình lâu dài. Giai đoạn đầu, người Pháp xây dựng các công trình công sở, dinh thự và trại lính phục vụ bộ máy cai trị và đặc biệt thể hiện sức mạnh áp đảo của chính quyền thực dân đồng thời gây ảnh hưởng tới văn hoá Việt Nam.

Từ những năm 1920, các kiến trúc sư người Pháp đã đưa xu hướng kiến trúc mới vào các thiết kế của mình. Những công trình với phong cách kiến trúc Á-Âu được thể nghiệm như: Công trình Đại học Đông Dương (1926): Sở Tài chính Đông Dương (1926), nay là Bộ Ngoại giao; Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông bác cổ (1925), nay là Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam. Trường Mỹ thuật Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều công trình được thiết kế theo phong cách Art Deco hoàn toàn thoát li những chi tiết kiến trúc cổ điển như Công trình Cao Uỷ Pháp tại Việt Nam, nay là trụ sở Đại sứ quan Pháp tại Hà Nội.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp xây dựng tại Hà Nội phần lớn vẫn đang được sử dụng và là những điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.

Cầu Long Biên 

Dự kiến Triển lãm sẽ tiếp tục được trưng bày tại Phố sách Hà Nội để phục vụ đông đảo công chúng có điều kiện  tìm hiểu về kiến trúc Pháp và tiếp cận với nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị về các công trình này. Ban Tổ chức hy vọng, Triển lãm này là dịp để công chúng có thêm cái nhìn toàn diện hơn về di sản kiến trúc của Hà Nội thời kì thuộc địa đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng như công tác duy tu, bảo tồn di sản hiện nay.

Tin cùng chuyên mục