Triển lãm "Chuyện tuổi già": Kết nối thế hệ và yêu thương

ANTD.VN - Bằng việc trao máy ảnh cho các cụ, những câu chuyện thực về cuộc sống của người già với nỗi niềm, sự cô đơn đã được bộc bạch qua triển lãm “Chuyện tuổi già” đang diễn ra Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nhờ đó, người xem đã có dịp lắng nghe, suy ngẫm và đặt mình vào đời sống của người già để trải nghiệm, thấu hiểu cha mẹ hơn…

Triển lãm thu hút đông đảo người tham quan

Tâm tư tuổi xế chiều

Triển lãm “Chuyện tuổi già” là những mẩu chuyện nhỏ được chính các cụ ông, cụ bà kể về niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn và sự cô đơn. Có một điều dễ nhận ra, các cụ luôn cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống hối hả khi con cháu ngược xuôi với công việc, học hành. Có những cụ tâm sự rằng, họ cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

NSND Trần Phương, 1 trong 33 nhân vật của dự án chia sẻ: “Khoảng chục năm nay, tôi lẩm cẩm không làm được gì nữa. Các cháu tôi đã trưởng thành, đi theo con đường nghệ thuật của tôi. Nhưng chính tôi nhiều khi cũng cảm thấy sợ nói chuyện với bọn trẻ vì không còn thấy hợp nữa, thành ra thấy mình cứ lúng túng trước các cháu”.

Hay cụ bà Lương Thị Diệu, 70 tuổi lại cảm thấy điều đau đớn nhất lúc tuổi già là cậu con trai sa ngã. Mặc dù vậy, bà vẫn thương con và sẽ chắt bóp chút tiền dưỡng già để lại cho con. 

Nhờ triển lãm “Chuyện tuổi già”, người xem đã được lắng nghe và có một cái nhìn chân thực, cảm động về cuộc sống tinh thần, những suy nghĩ và trăn trở của các cụ ông, cụ bà. Những tâm sự của tuổi xế chiều ấy đã giúp người xem lắng nghe, suy ngẫm và rút ra bài học, để sau này không phải nói hai từ “giá như”.

Với 3 chủ đề: “Ước mơ”, “Tâm sự tuổi già” và “Nơi cuộc sống mới bắt đầu”, triển lãm “Chuyện tuổi già” chính là một cách kết nối thế hệ và yêu thương các cụ. Khi nói đến ước mơ, nhiều người thường nghĩ đến ước mơ của tuổi trẻ với đầy hoài bão.

Nhưng với 17 chia sẻ của người già về chủ đề “Ước mơ”, khán giả lại thấy rằng, không phải chỉ người trẻ mới có ước mơ mà ngay những người già 70, 80 tuổi cũng mơ mình sẽ được đi du lịch một chuyến nước ngoài, được về quê đón một cái Tết cuối đời hay thậm chí là có vợ và con cái như bao người khác…

Cái khác ở đây là ước mơ nhỏ nhoi đến cuối cuộc đời của các cụ thường hướng về gia đình, quê hương bản quán, về tổ tiên nhiều hơn là thực hiện một ước vọng lớn lao như người trẻ. 

Bức ảnh và nguyên mẫu

“Bất hiếu” hay “tất yếu”?

Bên cạnh ước mơ và tâm sự tuổi già, triển lãm cũng thể hiện quan điểm khác nhau của cộng đồng về việc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão, một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Máy ảnh đã được trao cho các cụ đang sống tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Qua ống kính, một cuộc sống quá đỗi quen thuộc được mở ra với bao điều mới mẻ cùng những câu chuyện đầy bất ngờ, thú vị về không gian sống, về tình bạn già, những khoảnh khắc đời thường, tình yêu thương và sự chăm sóc…

Là những người trong cuộc, các cụ cho biết, gia đình và bản thân đã vượt qua nhiều nỗi lo như nỗi lo con cái mang tội bất hiếu, lo cha mẹ sẽ buồn và cô đơn… để quyết định gắn bó phần đời còn lại tại viện dưỡng lão.

Khi vào đây, có cụ cảm thấy vui và thoải mái khi có bạn để tâm sự, được chăm sóc chu đáo. Còn ở nhà, hàng ngày các con đi làm từ sáng đến tối mới về nên người già còn cảm thấy cô đơn và buồn hơn. 

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến của cộng đồng lại bày tỏ, sẽ tự tay chăm sóc các cụ và không chấp nhận việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Bởi lối suy nghĩ người già cần vui vầy bên con cháu đã khiến nhiều người “chùn chân”.

Xới lên một vấn đề trong gia đình Việt, triển lãm “Chuyện tuổi già” đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau trong xu hướng đưa cha mẹ vào các trung tâm chăm sóc người già. Việc chọn hướng tiếp cận nào hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và quan điểm của từng gia đình.

Nhưng có một điều quan trọng được  thấy từ triển làm này là, dù chọn cách chăm sóc người cao tuổi tại gia đình hay các trung tâm thì các thành viên trong gia đình nên tôn trọng quyết định của các cụ. Vấn đề không phải bất hiếu, mà hãy để các cụ được tận hưởng những ngày cuối cùng trong cuộc đời một cách vui vẻ, hạnh phúc và có ý nghĩa.