Trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tiến bộ trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, phân tích dữ liệu, khoa học máy móc và các ứng ứng khác như chatbox và nhận dạng khuôn mặt không chỉ được sử dụng để chẩn đoán mà còn giúp theo dõi sự tiếp xúc cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển vaccine. Al được xem là một cánh tay đắc lực giúp hỗ trợ kiểm soát đại dịch Covid-19 và hạn chế những tác động của dịch bệnh một cách tối đa nhất.

Sau đây là những cách mà AI được triển khai như những biện pháp hữu hiệu để giúp con người trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Trí tuệ nhân tạo được xem là một cánh tay đắc lực giúp hỗ trợ kiểm soát đại dịch

Trí tuệ nhân tạo được xem là một cánh tay đắc lực giúp hỗ trợ kiểm soát đại dịch

Al giám sát nguồn bệnh

Với loại bệnh truyền nhiễm như Covid-19, việc theo dõi giám sát dịch tễ là rất quan trọng. Hoạt động của con người, đặc biệt là sự di chuyển là một trong những nguyên nhân chính khiến virus lây lan ra toàn thế giới. BlueDot, công ty có trụ sở tại Canada đã kết hợp giữa khoa học máy móc và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) - tập trung vào các ứng dụng ngôn ngữ - để theo dõi, nhận biết và báo cáo về sự lây lan của virus nhanh hơn cả Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm sát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trong tương lai, công nghệ này còn được sử dụng để dự đoán nguy cơ nhiễm bệnh từ động vật sang con người trên cơ sở xem xét các biến tố như biến đổi khí hậu và hoạt động của con người. Kết hợp phân tích các dữ liệu cá nhân, hoạt động du lịch và xã hội, bao gồm lịch sử gia đình, thói quen lối sống từ các nguồn như phương tiện truyền thông xã hội sẽ cho phép dự đoán chính xác về hồ sơ rủi ro cá nhân và chăm sóc sức khỏe.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ảo (Chatbots)

Số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng ngoài sức tưởng tượng đã khiến cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như các biện pháp ứng phó bị quá tải. Công ty Stallion.Al có trụ sở tại Canada đã tận dụng khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe ảo đa ngôn ngữ có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Hệ thống này cung cấp thông tin từ các nguồn tin đáng tin cậy cùng với các hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và đưa ra các biện pháp bảo vệ, kiểm tra, theo dõi các triệu chứng… Hệ thống cũng đưa ra các tư vấn cho người dùng để giúp họ trong việc đưa ra các quyết định đến khám sàng lọc tại bệnh viện hay tự cách ly tại nhà.

Chẩn đoán

Chẩn đoán tức thì, chẩn đoán nhanh đồng nghĩa với việc các biện pháp để đáp ứng kiểm dịch có thể được nhanh chóng nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Một trở ngại trong chẩn đoán nhanh là sự thiếu hụt về chuyên môn lâm sàng cần thiết để “đọc” kết quả chẩn đoán do quá tải các ca bệnh. AI đã giúp cải thiện thời gian chẩn đoán trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19 thông qua công nghệ, chẳng hạn như Công ty LinkingMed có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã phát triển một nền tảng dữ liệu về bệnh ung thư và phân tích các dữ liệu y khoa. Viêm phổi - một biến chứng phổ biến của bệnh nhân nhiễm Covid-19, hiện có thể được chẩn đoán từ phân tích chụp CT trong thời gian chưa đầy 60 giây với độ chính xác tới 92%. Điều này được thực hiện nhờ một mô hình AI nguồn mở đã phân tích hình ảnh CT và không chỉ xác định các tổn thương mà còn định lượng được số lượng, khối lượng và tỷ lệ…

Nhận diện khuôn mặt và phát hiện các trường hợp sốt

Camera đo thân nhiệt đã được sử dụng để phát hiện những người bị sốt, tuy nhiên, hạn chế của công nghệ này là cần nhân lực vận hành. Tuy nhiên, các camera sở hữu công nghệ multisensory dựa trên AI đã được triển khai tại các sân bay, bệnh viện, nhà dưỡng lão… Công nghệ tự động phát hiện các trường hợp bị sốt và theo dõi sự di chuyển, nhận diện khuôn mặt và phát hiện người đó

Thiết bị bay không người lái và robot

Việc triển khai thiết bị không người lái và robot đã được đẩy mạnh trong điều kiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19. Để đảm bảo tuân thủ việc áp dụng các biện pháp này, các thiết bị bay không người lái được sử dụng để theo dõi các cá nhân không đeo khẩu trang ở nơi bắt buộc, phát thông tin cảnh báo hay phun thuốc khử trùng các không gian công cộng. MicroMultiCopter, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã giúp giảm thiểu rủi ro lây truyền virus liên quan đến việc vận chuyển các mẫu y tế và các thiết bị kiểm dịch trên toàn thành phố thông qua việc triển khai các thiết bị bay không người lái.

Ngoài ra, robot thông minh cũng hữu ích trong việc chăm sóc bệnh nhân, giảm rủi ro lây nhiễm cho các nhân viên y tế, vận chuyển thuốc, thực phẩm. Robot còn đảm nhiệm nhiều phần việc thay thế khác như dọn dẹp phòng và khử trùng các khu vực cách ly. Công ty công nghệ Pudu đã mở rộng phạm vi sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách triển khai robot tới hơn 40 bệnh viện cho các mục đích này để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu

Giới khoa học cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh do virus này gây ra. AI có khả năng thay đổi điều này. Công ty khởi nghiệp của Anh Exscienta hồi đầu năm nay đã trở thành công ty đầu tiên đưa ra loại thuốc do AI chế tạo để thử nghiệm trên người. Al chỉ mất thời gian 1 năm, so với thời gian 5 năm so với các phương pháp nghiên cứu truyền thống để phát triển cấu trúc phân tử loại thuốc này.

Cùng xu hướng đó, AI có thể đi đầu nghiên cứu sự phát triển của kháng thể và vaccine cho loại virus Corona mới. Chẳng hạn, bằng cách sử dụng hệ thống AlphaFold, Công ty AI của Google là DeepMind đang tạo ra các mô hình cấu trúc của protein có liên quan đến loại virus này để tăng thêm sự hiểu biết cho giới khoa học. Và mặc dù kết quả còn đang được chờ xác minh bằng thực nghiệm nhưng nó đã thể hiện một bước đi đúng hướng trong quá trình nghiên cứu về loại virus này.

Xác minh thông tin

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, có không ít các giả thuyết, thông tin không xác thực về đại dịch này lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Những “ông lớn” công nghệ như Google và Facebook đang chiến đấu để chống lại làn sóng về thuyết âm mưu, lừa đảo, thông tin sai lệch và các phần mềm độc hại liên quan đến dịch bệnh này. Theo đó, việc tìm kiếm thông tin liên quan đến từ khóa Coronavirus, Covid-19 sẽ được liên kết đến các nguồn thông tin đã được xác minh. Ngoài ra, Youtube đã giúp liên kế trực tiếp người dùng với WHO và các tổ chức đáng tin cậy để cung cấp thông tin chính xác. Cùng với đó, các video thông tin sai, tin giả sẽ được quét và gỡ xuống ngay khi chúng được tải lên…

Trong khi thế giới đang phải tiếp tục vật lộn với các tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế, công nghệ AI cũng giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến này. Với sự hợp tác của thế giới AI cùng các lĩnh vực khác để tìm ra giải pháp đẩy lùi đại dịch trong giai đoạn khó khăn hiện nay.