Trị từ “mầm bệnh”

ANTĐ - Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, hiện đã có 68 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt các đề án tái cấu trúc. Thủ tướng đã phê duyệt 19 đề án; các bộ, ngành phê duyệt 19 đề án; địa phương phê duyệt 10 đề án. Con số này chứng tỏ việc tái cơ cấu diễn ra khá đồng loạt ở các cấp, vậy tại sao báo cáo của Chính phủ lại nhận định việc tái cơ cấu còn chậm so với yêu cầu?

Bản báo cáo đánh giá, nhiều vấn đề đặt ra cho nền kinh tế chưa được giải quyết, những đột phá chiến lược trong tái cơ cấu cũng triển khai rất chậm. Sự chậm trễ này đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và kinh tế. Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong số 25.750 tỷ đồng đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, nhiều khoản không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị và có nguy cơ mất vốn rất cao.

Tại cuộc hội thảo “Đổi mới vai trò Nhà nước trong chuyển đổi nền kinh tế-cơ sở quan trọng cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”, nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp cảnh báo, chuyển giao doanh nghiệp nhà nước có thể gọi là hình thức chủ động làm lây lan “mầm bệnh” ở ngay trong lĩnh vực kinh doanh và cơ chế giám sát của đại diện chủ sở hữu. Nếu không trị tận gốc “mầm bệnh” thì việc chuyển giao doanh nghiệp sẽ là tác nhân thúc đẩy sự “nhờn thuốc” của tình trạng mở rộng ngành, lĩnh vực kinh doanh và đầu tư tràn lan.

Báo cáo “Cơ chế bán, chuyển giao doanh nghiệp trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dẫn ra trường hợp chuyển giao EVN Telecom thuộc EVN sang Viettel và chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án của Vinashin cho Vinalines. Sau khi tiếp nhận, Viettel đã phải xử lý rất nhiều vấn đề phát sinh, nhất là về nợ và nhân sự, các hợp đồng cũ; việc xử lý khối tài sản EVN Telecom đã đầu tư nhưng Viettel không có nhu cầu sử dụng.

Tương tự, việc chuyển giao các khoản nợ từ các doanh nghiệp, dự án cũ từ Vinashin sang cho các doanh nghiệp khác rất lớn. Hầu hết các hạng mục công trình và cơ sở thiết bị chuyển giao từ Vinashin là hạng mục dở dang, thậm chí có những dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến khó khăn thanh quyết toán. Tại hai đơn vị được quan tâm nhiều nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dù đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn đang tắc nghẽn. Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, nếu thực sự muốn tái cơ cấu, trước hết Nhà nước phải kiên quyết yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn khỏi ngân hàng công thương và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng.

Suy cho cùng, để tái cơ cấu thành công như mong đợi, trước hết cần phải có những quy định công khai minh bạch hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Còn tình trạng che giấu thông tin cũng như sở hữu chéo ngân hàng thì không thể tái cơ cấu được. Việc chuyển giao doanh nghiệp, dự án đang thiếu quy trình, thủ tục thống nhất dễ cản trở cơ chế thị trường đang dần được hình thành.