Tri thức đảm bảo thịnh vượng

ANTĐ - Không phải tài nguyên, vị trí địa - chính trị, dân số, mà tri thức mới là yếu tố quyết định đảm bảo sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Vì thế, kết nối tri thức là điều mà các nước cần đặc biệt quan tâm.

Mạng kết nối tri thức đóng vai trò quan trọng trong phát triển

Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo “Các mạng lưới để thịnh vượng: Các mục tiêu phát triển thông qua chia sẻ tri thức”, trong đó khẳng định thành công kinh tế, gắn kết xã hội và bền vững môi trường của một nước ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào hành động và cách hành xử của các nước láng giềng, của các nhà lãnh đạo khu vực và các cường quốc kinh tế toàn cầu. Vì vậy, quản lý tri thức và các mạng lưới tri thức có ý nghĩa quyết định đối với các nhà hoạch định chính sách và sự phát triển.

Ngày nay, các hoạt động kinh tế ngày càng sử dụng nhiều tri thức. Sự chuyển dịch từ nguồn lực là nguyên vật liệu tới nguồn lực dựa vào tri thức đang mở ra những cơ hội vô cùng to lớn cho các nước gia tốc sự phát triển của mình. Cường quốc kinh tế số 1 thế giới - Mỹ đã làm nên thành công của mình dựa trên 4 lĩnh vực dịch vụ quan trọng nhất là: tài chính, bảo hiểm, y tế và giáo dục. Đây là những lĩnh vực sử dụng nhiều tri thức.

Làm thế nào để nắm bắt, chia sẻ tri thức nhanh nhất chính là điều mà bất cứ nước nào cũng phải quan tâm. Theo đánh giá của LHQ, mức độ gắn kết tri thức càng cao, thì cơ hội phát triển càng lớn. Thậm chí đã xuất hiện cả Lý thuyết xã hội mạng lưới để đánh giá sự biến đổi về chất của văn minh nhân loại. Theo lý thuyết này, trật tự xã hội không phải phụ thuộc vào việc sở hữu phương tiện sản xuất, mà là sở hữu các điểm đầu mối của mạng lưới, nhất là mạng lưới tri thức.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiệm vụ này không phải là quá khó với bất kỳ quốc gia nào, nếu như biết thiết lập mạng lưới chia sẻ tri thức cả ở trong nước cũng như với bên ngoài. Những tri thức được chia sẻ có thể là các bài báo khoa học, bài phỏng vấn, bài viết nghiên cứu của các chuyên gia, hay những đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của những thành viên tham gia cộng đồng tri thức…

Để xác định mức độ gắn kết các mạng tri thức của một nước và mối liên hệ giữa độ nối kết với các chỉ số phát triển kinh tế, LHQ đã thiết lập hệ thống chỉ số mới là “Các chỉ số nối kết”. Căn cứ để xác định các chỉ số này là các mạng tri thức bên trong một nước và giữa các tổ chức được mỗi nước thiết lập. Thực tế cho thấy các nước có Chỉ số nối kết toàn cầu cao nhất thế giới như Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Hà Lan, Mỹ, Phần Lan… đều là những nền kinh tế phát triển.

Hay như đối với Trung Quốc - cường quốc kinh tế mới nổi - nơi được coi là “công xưởng” sản xuất hàng hóa của thế giới ở đầu thế kỷ 21, tương tự như vai trò của châu Âu trong thế kỷ 19, Mỹ và Nhật Bản trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, những công xưởng ở Trung Quốc khác trước ở chỗ nó được kết nối với toàn cầu và việc dòng hàng mang nhãn hiệu “made in China” tràn khắp toàn cầu là minh chứng cho sự thành công của Trung Quốc trong việc tận dụng triệt để ưu thế mà sự kết nối này tạo ra.

Sự gắn kết giữa công nghệ thông tin và tri thức để hình thành “mạng tri thức” đã và đang trở thành những đầu vào quan trọng của quá trình phát triển và thành công của mỗi quốc gia.