Trí thông minh nhân tạo - rủi ro an ninh và mối đe dọa với con người

ANTD.VN - Những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo dù có những đóng góp hữu ích cho cuộc sống của con người, song cũng chứa đựng những rủi ro, đe dọa tiềm ẩn với chính những chủ nhân đã sinh ra chúng.

Robot có trí tuệ nhân tạo Sophia đang tương tác với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed

Tại cuộc Hội thảo “Tương lai của tất cả mọi thứ - Phát triển bền vững trong thời đại biến đổi công nghệ nhanh chóng” do Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) và Ủy ban Kinh tế và Tài chính trực thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc (Ủy ban 2) đồng tổ chức ngày 11-10 đã diễn ra một cuộc tương tác rất đặc biệt. Đó là đối thoại giữa Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed với “cô gái” xinh đẹp Sophia - một robot có trí thông minh nhân tạo.   

Thế nên, trước “câu hỏi khó” của bà Amina J. Mohammed rằng Liên hợp quốc có thể làm gì để giúp những người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang không được tiếp cận Internet hay điện, Sophia liền trích dẫn câu nói của nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson để trả lời: “Tương lai đang ở ngay đây, chỉ là nó không được chia đều cho mọi người. Nếu như chúng ta thông minh hơn và tậy trung vào loại kết quả tất cả đều thắng, A.I. (trí thông minh nhân tạo) có thể giúp phân chia hiệu quả những nguồn lực hiện tại của thế giới như là lương thực và năng lượng”. 

“Các cỗ máy quá thông minh có thể khiến cho giá trị của con người chỉ ngang bằng với những con vật nuôi, chúng khiến cho con người khiếp sợ và đe dọa nền văn minh nhân loại”.

Ông Elon Musk (Giám đốc Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX) 

Việc “cô gái” Sophia xinh đẹp thông minh tới mức có thể “tầm chương trích cú” để đối thoại với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc  làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi đây là robot đời mới và hiện đại nhất của Hãng Hanson Robotics, được chế tạo tinh vi để trở thành một thiết bị cảm biến truyền thông, có thể trả lời vô số cuộc phỏng vấn cho nhiều hãng tin khác nhau, trình diễn trong buổi hòa nhạc và thậm chí còn có ngoại hình cuốn hút để có thể xuất hiện trên trang bìa của những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới.  

Chính vì thế, việc tổ chức cuộc tương tác giữa robot Sophia có trí thông minh nhân tạo với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại cuộc hội thảo được xem đã khắc họa những thiết bị máy móc do con người chế tạo ngày nay có thể “thông minh” tới cỡ nào và có thể giúp ích hữu hiệu ra sao cho cuộc sống con người…, thì mặt khác cũng cho thấy những thách thức tiềm ẩn với con người.

Bà Amina J. Mohammed vì thế bên cạnh việc thừa nhận những tiềm năng to lớn cho việc thúc đẩy tiến triển của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), song cũng cảnh báo trí thông minh nhân tạo cũng đặt ta một loạt thách thức phức tạp, trong đó có những câu hỏi về đạo đức, các vấn đề về nhân quyền và rủi ro an ninh.

Hiện nay, thế giới đang tồn tại những luồng quan điểm và đi kèm với đó là ứng xử khác nhau về vai trò của những thiết bị máy móc có trí thông minh nhân tạo. Nhiều quốc gia, đi đầu là Canada, và các trung tâm nghiên cứu phát triển hàng đầu thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nghiên cứu, phát triển trí thông minh nhân tạo.

Các tập đoàn công nghệ lớn Google, Apple, Microsoft, Facebook… đang huy động nguồn lực để phát triển các thiết bị thông minh cho máy móc, hiểu và thực thi lệnh bằng ngôn ngữ, phát triển nhận thức của máy móc… Trí thông minh nhân tạo cũng rất phát triển trong việc ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, tạo ra các “robot sát thủ”.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người lo ngại về mối đe dọa của trí thông minh nhân tạo với con người. Trước hết là việc chúng “cướp” công ăn việc làm vốn ngày càng khó kiếm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao khắp toàn cầu. Vũ khí ngày càng thông minh cũng đồng nghĩa với việc mạng sống của con người càng dễ bị chúng tước đoạt hơn.